Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Thứ năm - 26/06/2014 04:31
Nhằm nâng cao vị thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, ngày 25/01/2014, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt số 198/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngày 25/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quang Các, đại diện các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND, sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Vũ Quang Các cho biết, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là trung tâm đầu não về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, giữ vị trí vai trò quan trọng của cả nước. Vùng hạt nhân phát triển của đồng bằng sông Hồng, là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước. Có tiềm năng lớn về du lịch với hệ thống các trung tâm y tế chuyên sâu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, giữ vai trò quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Mục tiêu quy hoạch nhằm củng cố và nâng cao vị thế của Vùng, là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế, thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế.
Đồng thời, xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu ngườivùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt 5.500 USD; tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 5,5%, công nghiệp - xây dựng 49,1% và dịch vụ 45,4%. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 32%.
Về văn hoá - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 80 - 85%, đào tạo nghề khoảng 40 - 50%; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 80%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2%; nâng mức thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo gấp 2,5 - 3,5 lần sau mỗi thời kỳ 5 năm.
Về công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ tập trung phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của các ngành công nghiệp có lợi thế và khả năng cạnh tranh, có giá trị nội địa hóa cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: Điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo máy; sửa chữa, đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải; thép chất lượng cao và vật liệu xây dựng mới; hóa - dược phẩm, công nghiệp chế biến thực phẩm và ngành dệt may, da - giày.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, phát thải thấp và thân thiện với môi trường, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp chế tác có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao, tạo bước nhảy vọt về chất lượng, nâng cao năng suất lao động.
Phát triển công nghiệp ở nông thôn gắn với sự phát triển nông nghiệp; mở rộng qui mô công nghiệp dược, công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu; phấn đấu tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 8,2%, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 10%, thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9%.
Không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ gồm hai tiểu vùng: tiểu vùng Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng duyên hải ven biển. Trong đó, Tiểu vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Tiểu vùng duyên hải ven biển gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh (kể cả khu vực biển, ven biển và hải đảo)…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ dựa trên lợi thế và tiềm năng, tự nhiên, xã hội cũng như về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, tài nguyên để đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển chung của nền kinh tế. Đây sẽ là địa bàn đi đầu trong cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, có sức cạnh tranh cao so với các vùng khác trong nước và khu vực. Đồng thời, quy hoạch Vùng này sẽ có kết nối đồng bộ các loại hình giao thông, nhằm thực hiện muc tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành chức năng được giao phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch, hỗ trợ cho các địa phương phát triển, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tập trung rà soát, ưu tiên lựa chọn những chương trình dự án trọng điểm để thực hiện. Các viện nghiên cứu, nhà khoa học tập trung nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật đối với các chương trình, dự án phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng thế mạnh của các địa phương trong Vùng để thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả nhất.
Quy hoạch nêu rõ các giải pháp thực hiện gồm: hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế của Vùng; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề, phát triển nhanh nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của Vùng và hỗ trợ, thúc đẩy các vùng khác.
Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng khai thác tài nguyên, sơ chế và gia công. Đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội./.
Tùng Linh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 461

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12832

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3840196