Kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Cả hai thành phần kinh tế trên thuộc cùng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; tuy nhiên, quy mô sở hữu là khác nhau. Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam có chủ trương nhất quán là phát triển kinh tế nhiều thành phần. Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Quan điểm của Đảng về sở hữu và các thành phần kinh tế nói chung, về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân nói riêng có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, được bổ sung và hoàn thiện dần qua mỗi giai đoạn phát triển kinh tế đất nước. Các quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân thể hiện tập trung trong các cương lĩnh xây dựng đất nước, văn kiện đại hội Đảng, nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Bắt đầu từ Đại hội VI (12-1986), nền kinh tế nhiều thành phần đã được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đảng. Đại hội VI khẳng định “Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế... Xóa bỏ những thành kiến thiên lệch...”(1). Ở Văn kiện Đại hội VI, trong khi khẳng định cần phải: “Củng cố thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm cả khu vực quốc doanh và khu vực tập thể một cách toàn diện” (2) thì Đảng ta cũng đã nhận ra sự cần thiết: “Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”(3). Như vậy, các thành phần kinh tế phi XHCN được thừa nhận sự tồn tại và hoạt động dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của thành phần kinh tế XHCN. Tuy nhiên lúc này, kinh tế tư nhân nói riêng, các thành phần kinh tế phi XHCN nói chung vẫn được coi là đối tượng phải “cải tạo”, bằng những hình thức và bước đi thích hợp, tránh chủ quan nóng vội: “cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”(4).
Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 15-7-1988, của Bộ Chính trị khóa VI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới, nhất quán thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, khẳng định kinh tế tư nhân được phát triển trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh. Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị khóa VI, xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó đổi mới cơ bản cách thức quản lý hợp tác xã nông nghiệp, tạo động lực cho kinh tế tư nhân trong nông nghiệp hồi phục và phát triển năng động, bước đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa. Đó là bước khởi đầu quan trọng đối với kinh tế tư nhân nước ta, mở đường cho những bước đột phá mạnh hơn sau này.
Tiếp tục tư tưởng của Đại hội VI, Đại hội VII (6-1991) đưa ra quan điểm rõ ràng hơn về việc khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Văn kiện Đại hội VII khẳng định: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước”(5) và “Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”(6). Đại hội VII cũng khẳng định: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”(7). Như vậy, từ chỗ coi kinh tế tư bản tư nhân là một thành phần kinh tế “tàn dư” của chế độ xã hội cũ, có thể sử dụng nhưng cần “cải tạo” bằng những bước đi thích hợp, Đại hội VII đã thực sự coi kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế độc lập, có tiềm năng phát triển và đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước nói chung. Chính vì thế, Hội nghị Trung ương 2 khóa VII đã nêu chủ trương: “Bổ sung và sửa đổi thể chế nhằm bảo đảm cho tập thể, cá thể và tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định”(8).
Từ đánh giá “Chính sách kinh tế nhiều thành phần đã góp phần to lớn giải phóng và phát triển sức sản xuất, đưa đến những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng qua 10 năm đổi mới”(9), Đại hội VIII (6-1996) tiếp tục khẳng định “thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách này, khuyến khích mọi doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước khai thác các tiềm năng, ra sức đầu tư phát triển, yên tâm làm ăn lâu dài, hợp pháp, có lợi cho quốc kế dân sinh, đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, không phân biệt sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh”(10). Văn kiện Đại hội VIII khẳng định việc đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, đồng thời cần tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài.
Bước phát triển mới trong quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân thể hiện trong Văn kiện Đại hội IX (1-2001), khi Đảng ta khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dàitrong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Kinh tế tư bản tư nhân được khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm”(11). Từ chỗ cho rằng “Tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh do luật pháp quy định”(12); đến Đại hội IX, quan điểm của Đảng ta đã có bước nhìn nhận mới: “Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động; liên doanh liên kết với nhau với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước”(13).
Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội IX, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (năm 2002) thông qua Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đổi mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương có một nghị quyết chuyên đề về kinh tế tư nhân. Nghị quyết tiếp tục khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX cũng đưa ra những đánh giá xác đáng về đóng góp của kinh tế tư nhân, đó là: đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của kinh tế tư nhân đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất. Nghị quyết cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của kinh tế tư nhân nước ta là: phần lớn có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất; còn có nhiều khó khăn, vướng mắc về vốn, về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, về môi trường pháp lý và môi trường tâm lý xã hội.
Trên cơ sở nhận định về thực trạng kinh tế tư nhân, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX thống nhất chủ trương và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý và tâm lý xã hội để các doanh nghiệp của tư nhân phát triển rộng rãi trong những ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, không hạn chế về quy mô, nhất là trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước.
Đại hội X (4-2006) của Đảng tiếp tục xác định vị trí và định hướng phát triển các thành phần kinh tế chủ yếu. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế đất nước, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Lần đầu tiên, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân được Đảng ta chính thức nêu ra và có quy định cụ thể. Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã thảo luận và thông qua “Quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Quy định này cho thấy Đảng ta rất thận trọng nhưng cũng đã mở đường cho đảng viên được kinh doanh hợp pháp. Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân chính là huy động, phát huy tiềm năng của mọi người dân, trong đó có đội ngũ đảng viên, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Đại hội X, Đảng có những khẳng định mới về vai trò của kinh tế tư nhân khi coi kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành không thể thiếu, có vị trí quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước.
Đại hội XI (1-2011) của Đảng tiếp tục xác định phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Có thể thấy, quan niệm coi kinh tế tư nhân là “một trong những động lực của nền kinh tế” trong hai kỳ Đại hội X và XI phản ánh bước tiến mới trong tư duy của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta.
Điểm mới đáng quan tâm ở Đại hội XII (1-2016) so với các kỳ đại hội trước là sự khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát hơn của Đảng khi coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh việc: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”(14). Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XII tiếp tục xác định rõ việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Một số nhận xét và những vấn đề đặt ra
Thứ nhất, về tư tưởng và nhận thức, từ Đại hội VI, chủ trương của Đảng đã cho phép phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình kinh doanh để phát triển lực lượng sản xuất, mở ra điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phục hồi và phát triển. Quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân cho đến nay là nhất quán và liên tục phát triển, hoàn thiện dần qua các kỳ đại hội. Sự đa dạng về thành phần kinh tế đã làm cho quan hệ sản xuất phù hợp hơn với tính chất và trình độ phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta. Đây là tiền đề quan trọng giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Những quan điểm này cần được kế thừa và phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần được thừa nhận dần dần qua từng giai đoạn, từ chỗ chỉ là thành phần kinh tế có thể được sử dụng và cần cải tạo bằng những bước đi thích hợp đến chỗ có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, được khuyến khích phát triển; từ chỗ là một trong những động lực của nền kinh tế trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đại hội XII của Đảng không chỉ khẳng định thêm vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân mà còn mở ra những cơ hội mới để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn với chủ trương không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Thứ ba, những đóng góp ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cũng được Đảng ghi nhận qua quá trình phát triển của khu vực kinh tế này. Nếu ban đầu chỉ hoạt động trong những ngành, những lĩnh vực “có lợi cho quốc kế dân sinh”, góp phần tạo ra sản phẩm cho ba chương trình kinh tế lớn của Đại hội VI, thì từ những năm 2000 trở đi, kinh tế tư nhân đã được Đảng đánh giá là lực lượng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Thứ tư, để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung vào hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách, môi trường tâm lý xã hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với nhận thức rõ ràng là: để kinh tế tư nhân phát triển thì điều quan trọng mấu chốt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Đảng đã đề ra các định hướng cơ bản hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó nhấn mạnh về hoàn thiện thể chế sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường.
Điều rất đáng chú ý là, Đảng ta chủ trương khuyến khích, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở “hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế”, hỗ trợ phát triển “doanh nghiệp khởi nghiệp”, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân “đa sở hữu”. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển với quy mô ngày càng lớn, từng bước hình thành những đơn vị kinh tế tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước. Những chủ trương nêu trên của Đảng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay và cần được từng cấp, từng ngành, từng địa phương nhận thức một cách đầy đủ.
Đảng đã nhận thức sâu sắc rằng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế thị trường phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó. Luận điểm này là nguồn cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, tạo sức sống và đột phá phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong giai đoạn mới.
Thứ năm, về định hướng phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, trong khi khẳng định kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, các tập đoàn kinh tế lớn, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước, trở thành kinh tế tư bản nhà nước(15). Với các hộ cá thể, tiểu chủ, Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ để phát triển lên quy mô lớn hơn hoặc liên kết hình thành các tổ hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho doanh nghiệp. Định hướng này phù hợp với xu thế xã hội hóa lực lượng sản xuất và cũng cho thấy sự thống nhất trong quan điểm, nhận thức của Đảng về sự cần thiết tồn tại cũng như xu thế phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Thứ sáu, quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế tư nhân và khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân qua 30 năm đổi mới đã có sự phát triển, hoàn thiện trên nền tảng nhất quán coi trọng sự tồn tại lâu dài của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói, cho đến nay, quan điểm, nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân cũng như đường lối khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân là rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần được làm rõ hơn về mặt lý luận, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của khu vực này:
Một là, bên cạnh việc khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và các thành phần kinh tế đều bình đẳng, các văn kiện của Đảng cũng đồng thời khẳng định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo. Cần làm sáng rõ hơn mối quan hệ giữa bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Khu vực kinh tế nhà nước được xác định với phạm vi rất lớn (các nguồn lực tài nguyên, tài chính quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước...) xét trong tương quan so sánh với các thành phần kinh tế khác (kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn nước ngoài...) thì thể hiện vai trò chủ đạo như thế nào?, thông qua công cụ gì là phù hợp để không chèn lấn và làm giảm không gian kinh tế của khu vực tư nhân?
Hai là, mối quan hệ giữa quan điểm phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm về bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác hiện đang được giảng dạy trong môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phần kinh tế chính trị học tại các trường đại học, cao đẳng còn chưa thực sự rõ, điều này gây ra những tác động không thuận đến tư tưởng khởi nghiệp của sinh viên cũng như nảy sinh những băn khoăn về triển vọng và tương lai lâu dài của kinh tế tư nhân.
Ba là, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách bảo đảm quyền cạnh tranh bình đẳng, nhất là bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực công (đất đai, các dự án đầu tư công,...). Trong khi nhấn mạnh đến bình đẳng giữa thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, cần phải chống các biểu hiện “lợi ích nhóm” gây bất bình đẳng ngay giữa các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, tạo nên quan hệ “thân hữu” làm méo mó thị trường và mất động lực cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bốn là, tạo lập môi trường thể chế, tăng cường vai trò hiệp hội ngành, nghề trong liên kết giữa các doanh nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu liên kết khi cạnh tranh với tư bản nước ngoài, ứng phó với rủi ro. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho hợp tác công tư bình đẳng, minh bạch; khuyến khích và thúc đẩy tư nhân đầu tư vào các dự án theo quy hoạch mục tiêu, dẫn dắt của Nhà nước./.
-------------------------------------\
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 58
(2), (3), (4), (5), (6), (7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Sđd, tr. 41, 53, 333, 374, 437 - 438
(8) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, t. 51, tr. 542 - 543
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Sđd, tr. 622
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Sđd, tr. 622 - 623
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần II, Sđd, tr. 149
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 11
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần II, Sđd, tr. 26
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 107 - 108
(15) Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xem: http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/toan-van-nghi-quyet-so-05-nq-tw-ve-tiep-tuc-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-414371.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 5
Hôm nay : 133
Tháng hiện tại : 16160
Tổng lượt truy cập : 3959608