Trình bày báo cáo sơ kết một năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó cắt giảm 24 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ điện tử được triển khai trong nhiều thủ tục hành chính như thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp… đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. 63 tỉnh, thành phố đã ban hành Chương trình hành động; Thành lập đường dây nóng, tổ chức đối thoại với nhiều mô hình đa dạng.
Trong lĩnh vực tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; Đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nhiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nông nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư điều chỉnh mức thu phí của 29 trạm thu phí. Bộ Giao thông vận tải đã lập tổ công tác liên ngành xem xét, đề xuất tăng cường quản lý, giám sát giá; Cắt giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển.
Thanh tra Chính phủ đã quán triệt và tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa, thực hiện theo nội dung và nguyên tắc: thanh/kiểm tra không quá 1 lần/năm như quy định tại Nghị quyết. Định kỳ hằng quý, tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và trả lời câu hỏi mà dư luận quan tâm.
Chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết đã lan tỏa rộng rãi. Hàng trăm sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp được nhiều tổ chức, địa phương triển khai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo, trình Chính phủ Luật Hỗ trợ DNNVV và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới với nhiều chính sách đột phá cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế; Bộ Công Thương đang xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước… Các Bộ: Công an, Lao động Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng và các địa phương đang triển khai tích cực những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết.
Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Năm 2016 đã có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay; Hơn 2.600 dự án đầu tư nước ngoài mới, với gần 16 tỷ USD vốn đăng ký, tăng hơn 23% về số dự án so với cùng kỳ. Theo đánh giá của WB năm 2016 Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82) về chỉ số môi trường kinh doanh. Đánh giá của Eurocham, Amcham, Jetro… cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện; Các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.
Khoảng cách giữa chính sách và thực thi
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng… dẫn đến vướng mắc trong thực thi. Thực tế thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục khác chưa thông suốt, hiệu quả. Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Quy định và hướng dẫn về thủ tục thuế và hải quan, phân loại mã số hàng hoá xuất nhập khẩu (mã HS) chưa đủ rõ ràng; Thủ tục cấp chứng nhận trong phòng cháy chữa cháy, đo khí thải, chất thải, bảo vệ môi trường; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên… theo phản ánh còn gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp.
Về tiếp cận đất đai, thủ tục giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao cùng các thủ tục cấp phép nêu trên vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp. Doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV vẫn khó khăn để có mặt bằng sản xuất. Việc thu hồi đất, tính giá đất, tính giá đền bù còn phức tạp, chưa sát với thực tế thị trường; Thông tin quy hoạch không rõ ràng dẫn đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Về mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh, việc triển khai đấu thầu qua mạng nhằm công khai minh bạch các dự án mua sắm công, tạo cơ hội tham gia của doanh nghiệp chưa đảm bảo lộ trình theo yêu cầu của Chính phủ. Quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa còn lỏng lẻo; Hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả; Hàng rào kỹ thuật chưa phát huy tác dụng… dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép sản xuất trong nước và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra chậm, làm thu hẹp thị trường và cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ công của khu vực tư nhân.
Về tiếp cận tín dụng, mặc dù Ngân hàng nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng phản ánh của doanh nghiệp cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, chỉ có 40% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng; Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký tài sản theo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm để có cơ sở mang đi thế chấp vay vốn. Hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tồn tại rất nhiều vướng mắc, DNNVV hầu như không tiếp cận được vốn qua kênh này.
Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục.
Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra ở cấp địa phương còn tồn tại hiện tượng chồng chéo, trùng lắp về nội dung giữa các ngành, các cấp sở; Còn tồn tại sự thiếu phối hợp giữa ngành thanh tra và ngành kiểm toán, chưa có sự kế thừa các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan. Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Năng lực nội tại và ý chí kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, thể hiện rõ ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; Năng lực quản trị hạn chế, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh kém; Chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Đây là rào cản lớn nhất hạn chế khả năng tham gia cụm, chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu.
Giải pháp trọng tâm cho năm 2017-2018
Xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; Cải cách mạnh các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; Khuyến khích các hộ, cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các luật liên quan, nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ. Đẩy nhanh việc rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan để giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ; báo cáo Chính phủ Đề án Luật sửa các luật về thuế để trình Quốc hội. Đồng thời, rà soát các danh mục hàng hóa thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành, bổ sung mã HS, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với mặt hàng xuất nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý. Xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác để xử lý (vấn đề an toàn thực phẩm, giấy phép kiểm dịch).
Về tiếp cận đất đai, thực hiện rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tính giá thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các mức thuế sử dụng đất, nhằm tháo gỡ khó khăn tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp; Rà soát quy hoạch đảm bảo tính nhất quán và công khai minh bạch thông tin quy hoạch.
Về mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh, khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; Chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam; Xử lý nghiêm và công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu,trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường...
Về tiếp cận tín dụng, minh bạch quy định, thủ tục, điều kiện vay; Rà soát quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm tài sản thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Triển khai mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Đẩy nhanh triển khai hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng tạo kênh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, khắc phục ngay các bất cập trong quản lý dự án BOT, mức thu phí, vị trí thu phí; Chuyển sang thu phí điện tử không dừng, áp dụng công nghệ phù hợp để giám sát thu phí; Đấu thầu công khai trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT. Có các giải pháp phù hợp để giảm lãi suất; Đẩy nhanh xử lý vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản để trả nợ cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Kiên trì thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với một doanh nghiệp không quá một lần trong năm, trong đó lưu ý việc phối hợp thanh tra liên ngành ở cấp địa phương, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động…
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh; Chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, nhất là về trách nhiệm xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Trên cơ sở các nội dung chính nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả Nghị quyết./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 1
Hôm nay : 133
Tháng hiện tại : 16164
Tổng lượt truy cập : 3959612