Hiện trạng kinh tế Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đã trải qua thời kỳ đổi mới gần 30 năm. Nhờ các chính sách đổi mới mà tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức khá cao: bình quân 7,6%/năm giai đoạn 1991-2000; 7,4%/năm giai đoạn 2001-2010; và mặc dù 3 năm gần đây (2011-2013) mức tăng trưởng có giảm đi do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và những mặt tồn tại dồn tích lại từ nhiều năm trước chưa được giải quyết, nhưng vẫn đạt mức 5,6%/năm. Nhờ vậy, tình trạng đói nghèo đã giảm một cách đáng kể và nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ theo cam kết với Liên Hợp Quốc đến thời điểm 2015 đã hoàn thành trước thời hạn. Từ năm 2010, GDP bình quân đầu người đã vượt qua ngưỡng 1.000 USD, chính thức vượt qua tình trạng nước nghèo để gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình (thấp).
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều mặt hạn chế, trong đó phải kể đến tính thiếu ổn định của kinh tế vĩ mô: biên độ giao động của mức lạm phát cao, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP lớn, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần…
Hình 1: Tình hình tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và thất nghiệp của Việt Nam
Nhìn một cách tổng quát qua một số tiêu chí cơ bản, có thể nói trình độ phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay gần giống với Hàn Quốc cuối những năm 1970 đầu những năm 1980.
So sánh một vài chỉ tiêu kinh tế cơ bản giữa Việt Nam hiện nay và Hàn Quốc 1980
| Việt Nam (2012) | Hàn Quốc (1980) |
GDP/người (USD; giá hiện hành) | 1.749 | 1.645 |
Cơ cấu GDP theo ngành (%) (2011) |
|
|
- Nông nghiệp | 22,0 | 16,2 |
- Công nghiệp | 40,8 | 36,6 |
- Dịch vụ | 37,2 | 47,3 |
Tỷ trọng lao động nông nghiệp (%) (2011) | 48,4 | - |
Tình trạng kinh tế chậm phát triển đương nhiên còn thể hiện cả ở khoảng cách về thể chế so với các nền kinh tế thị trường phát triển, trong đó đặc biệt phải kể đến những loại thể chế hỗ trợ thị trường như sự kém gắn bó giữa khoa học - công nghệ với sản xuất, tình trạng manh mún của sản xuất nông nghiệp,… Ngoài ra, có lẽ một số đặc điểm về khía cạnh văn hóa - xã hội và lịch sử như một số yếu tố của vốn xã hội: con người cần cù, chịu khó; tỷ lệ dân cư biết đọc biết viết cao, con người hiếu học; đã trải qua chiến tranh, đất nước chia cắt nên tâm lý chung là khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Cả hai nước cũng đã trải qua thời kỳ là thuộc địa của thực dân đế quốc, là những nước được coi là nghèo nàn lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh,…
Tuy vậy, cũng nên khẳng định rằng, những điểm tương đồng nêu trên là có ý nghĩa tương đối và chỉ dừng ở mức khái quát chung nhất. Đối với từng vấn đề một có thể luôn hàm chứa bên trong nhiều điểm khác biệt mang tính cụ thể, và không loại trừ những sự khác biệt sâu sắc về chất. So với thời kỳ Hàn Quốc bắt đầu CNH, theo một nghĩa nào đó, cả hai nền kinh tế Việt Nam (hiện nay) và nền kinh tế Hàn Quốc (thời đó) đều là những nền kinh tế chuyển đổi. Song, tính chất của sự “chuyển đổi” của hai nền kinh tế lại không hoàn toàn giống nhau.
- Một là, sau chiến tranh, cả hai nước đều chuyển nền kinh tế, cung cách quản lý kinh tế và xã hội từ thời chiến sang thời bình. Tuy Hàn Quốc cũng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng do thời gian chiến tranh ngắn (1950-1953), nên việc phục hồi và khắc phục những hậu quả xã hội của chiến tranh không thể so sánh được với tình hình của Việt Nam, nơi trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp, kéo dài, đã khiến cho cùng lúc phải giải quyết rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường sau chiến tranh. Có thể nói rằng, trong nửa sau thế kỷ XX, thế giới hiện đại ít có trường hợp nào chịu ảnh hưởng của chiến tranh với mức độ khốc liệt và kéo dài như Việt Nam. Vì vậy, mặc dù đây là vấn đề ít được đề cập đến do chiến tranh đã lùi xa nên dường như đã quá mờ nhạt, nhưng thực tế lại có ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế và xã hội đến tận ngày nay.
- Hai là, kinh tế Việt Nam hiện nay cũng tương tự như kinh tế Hàn Quốc những năm 1970 – 1980 ở bước chuyển đổi nền kinh tế từ tình trạng chậm phát triển lên phát triển với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện công cuộc CNH và hiện đại hóa. Đặc điểm chuyển đổi này giống như tập hợp tất cả các nước đang phát triển khác, tuy không phải tất cả các nước đang phát triển đều có những tuyên bố chính thức cụ thể về việc tiến lên như thế nào, nhưng về cơ bản, các nước đều mong muốn đạt tới trình độ phát triển kinh tế của các nước công nghiệp phát triển hay các nước OECD càng sớm càng tốt. Tính chất chuyển đổi này đòi hỏi các nước về cơ bản phải giải quyết những nhiệm vụ phát triển tương tự nhau, nhưng cách thức thực hiện nhiều khi lại không giống nhau do chịu tác động bởi nhiều nhân tố chính trị, truyền thống lịch sử, văn hóa, quan hệ kinh tế quốc tế… nên kết quả nhiều khi rất khác nhau. Một số nước đã nhanh chóng trở thành những nước mới CNH (như trường hợp của Hàn Quốc), một số khác rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, một số khác thậm chí còn trì trệ nhiều năm…
- Ba là, ở thời điểm đầu thời kỳ CNH, các nước đều tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Hàn Quốc những năm đầu CNH và Việt Nam mấy chục năm qua cũng như vậy. Tuy nhiên, chẳng những xuất phát điểm của mỗi nước khác nhau mà hoàn cảnh kinh tế quốc tế ở thời điểm những thập niên sau chiến tranh thế giới thứ hai và hiện nay cũng rất khác nhau. Khác với Hàn Quốc xuất xứ từ một nền kinh tế thị trường chuyển lên kinh tế thị trường hiện đại gắn với các nền kinh tế thị trường phát triển nhất (Mỹ, Nhật, EU) trong bối cảnh chiến tranh lạnh – một kiểu chuyển tiếp cùng hệ thống; Việt Nam chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế kiểu kế hoạch hóa (KHH) tập trung sang hội nhập kinh tế thị trường thế giới trong bối cảnh thế giới đã trở nên “phẳng” hơn trước đây rất nhiều. Tính chất “phẳng” của môi trường kinh tế toàn cầu một mặt do quá trình thị trường hóa toàn cầu tạo ra, mặt khác do tác động của công nghệ thông tin hiện đại, khiến cho sự lưu thông các nguồn lực trở nên dễ dàng, nhanh chóng và rẻ hơn trước kia rất nhiều. Đồng thời, tính đa dạng và khốc liệt của cạnh tranh cũng do vậy mà tăng lên.
- Bốn là, hoàn toàn khác với Hàn Quốc, Việt Nam còn đang phải tiến hành bước chuyển từ thể chế kinh tế KHH tập trung sang kinh tế thị trường với nội dung chính là đổi mới (cải cách) thể chế kinh tế. Mặc dù mô hình kinh tế thị trường mà Việt Nam hướng đến là kinh tế thị trường định hướng XHCN – một mô hình kinh tế thị trường chưa có tiền lệ lịch sử; nhưng điểm chung giống với tất cả các nền kinh tế KHH tập trung trước đây là đều chuyển sang kinh tế thị trường, tuân theo những nguyên tắc vận hành chung của kinh tế thị trường từ một xuất phát điểm phi thị trường.
Quá trình chuyển đổi nêu trên làm cho những khác biệt về thể chế kinh tế giữa Việt Nam với thế giới ngày càng thu hẹp và việc học hỏi, chia sẻ và vận dụng kinh nghiệm phát triển của các nước đã phát triển nói chung, Hàn Quốc nói riêng cần được xem xét trong khung khổ bối cảnh như vậy.
Sẻ chia kinh nghiệm để tìm kiếm cơ hội phát triển
Các kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc nên và cần học hỏi thì rất nhiều, nhưng trong phạm vi mong muốn từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển trong thời kỳ tới thì có thể tập trung vào một số khía cạnh cụ thể sau.
- Thể chế kinh tế thị trường: Nhìn dài hạn, cho tới nay, các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều là những nền kinh tế thị trường. Các nền kinh tế mới CNH, trong đó có Hàn Quốc, cũng là những nền kinh tế thị trường. Như trên đã nêu, trong thời kỳ CNH, Hàn Quốc chuyển từ nền kinh tế thị trường trình độ thấp lên nền kinh tế thị trường trình độ cao, hội nhập vào thể chế kinh tế thị trường hiện đại, dù sao cũng dễ dàng hơn so với Việt Nam do cùng một loại thể chế kinh tế. Việt Nam hiện chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập vào thể chế kinh tế thị trường của thế giới hiện đại từ thể chế kinh tế KHH tập trung, phi thị trường, nên bước chuyển gặp nhiều khó khăn hơn. Dẫu vậy, kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy, tuy không phải kinh tế thị trường chỉ có ưu điểm, không có mặt trái, nhưng đó vẫn chỉ là loại cơ chế tồi nếu như không kể đến tất cả các loại hình cơ chế kinh tế hiện tồn khác. Mặt khác, trong thời đại hội nhập, khi mà thế giới là kinh tế thị trường, chúng ta không thể không là kinh tế thị trường. Vì vậy, chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, điều đầu tiên là chia sẻ việc vận dụng triệt để kinh tế thị trường. Không xác định điều này, những kinh nghiệm khác khó chia sẻ vận dụng được.
- Nhà nước phát triển: Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, dù nghiêng theo học thuyết kinh tế nào thì cũng đều thừa nhận nguyên lý chung: Nhà nước tất yếu phải can thiệp vào nền kinh tế. Tuy vậy, cách thức, mức độ… can thiệp như thế nào thì tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước. Trong lịch sử quan hệ Nhà nước – Thị trường trên thế giới, đã xuất hiện mô hình “nhà nước phát triển”, được cho là sản phẩm in đậm dấu ấn của thời kỳ CNH ở các nước Đông á (Nhật Bản, Hàn Quốc), trong đó nhà nước can thiệp rất tích cực vào việc hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách, đặc biệt là chính sách công nghiệp, chính sách thương mại, chính sách khoa học – công nghệ và giáo dục. Mô hình kế hoạch hóa kinh tế trong nền kinh tế thị trường của Hàn Quốc (và Nhật Bản) trong thời kỳ bắt đầu CNH có thể là một bài học nên tham khảo trong tổ chức quản lý kinh tế Việt Nam hiện nay. ở đây, tính thống nhất về chỉ đạo, tính nhất quán về quan điểm chính sách, tính nghiêm minh trong tổ chức thực hiện… là những nguyên tắc quyết định dẫn đến thành công rút ngắn thời gian tiến hành CNH.
- Khu vực kinh tế tư nhân và các Cheabol: Đặc trưng kinh tế chung của kinh tế thị trường là sự đa dạng về sở hữu, nhà nước pháp quyền và chế độ hợp đồng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực. Các nền kinh tế Đông á nói chung, Hàn Quốc nói riêng, trong quá trình CNH đã sử dụng rất thành công cái gọi là cơ cấu công nghiệp hai tầng, trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa các tập đoàn kinh tế lớn (các Cheabol ở Hàn Quốc và các Zaibatsu ở Nhật Bản) – nơi có sự tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học – công nghệ, nhân lực, năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường trên quy mô quốc tế; với hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ, - nơi hình thành mạng lưới các nhà thầu phụ dày đặc, tạo thành nền công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ, cung cấp các sản phẩm trung gian cho các tập đoàn kinh tế lớn. Điều đáng chú ý là các tập đoàn lớn (các Cheabol ở Hàn Quốc và các Zaibatsu ở Nhật Bản) là những tập đoàn kinh tế tư nhân, về bản chất là hoạt động tuân theo nguyên tắc thị trường. Vậy chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về nội dung này là cần khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn – nhưng không phải nêu định hướng chung chung, hoặc không kèm theo những văn bản hướng dẫn cụ thể, mà có thể khảo cứu, áp dụng ngay những chính sách, cách làm cụ thể từ kinh nghiệm của Hàn Quốc. Cũng cần nhấn mạnh rằng, một nền kinh tế có quy mô dân số lớn (từ 40-50 triệu dân trở lên), một nền công nghiệp sản xuất nói chung và công nghiệp cơ khí nói riêng cần được xem là không thể thiếu đối với sự thành công của CNH.
- Vai trò của khoa học - công nghệ: Bản chất của CNH (và hiện đại hóa) xét về mặt trình độ phát triển lực lượng sản xuất là thay đổi trình độ công nghệ - kỹ thuật của nền sản xuất theo hướng hiện đại. Vì vậy, sự phát triển của hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng như sự gắn kết của các đơn vị nghiên cứu và triển khai (R+D) với các công ty, các cơ sở sản xuất để tạo ra một nền kinh tế sáng tạo, năng động, sức cạnh tranh tăng nên chủ yếu nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. ở thời điểm bắt đầu CNH, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng khoa học - công nghệ chưa phát triển và sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và công nghiệp còn hạn chế, nên Hàn Quốc đã đề nghị Hoa Kỳ trợ giúp xây dựng một Viện nghiên cứu - Viện khoa học công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST), với cách thức vận hành mới: gắn với nền công nghiệp và phục vụ sự phát triển công nghệ công nghiệp của đất nước. Chính cơ chế vận hành của KIST đã góp phần thúc đẩy việc cải tổ nền khoa học của Hàn Quốc và có lẽ là từ điểm khởi đầu ấy, nền khoa học của Hàn Quốc đã phát triển như hiện nay và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước cũng như năng lực công nghệ - kỹ thuật của nền công nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm từ nội dung này, lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Việt Nam đã đồng ý chấp nhận kiến nghị của các nhà khoa học về việc Hàn Quốc giúp Việt Nam xây dựng một Viện nghiên cứu khoa học theo mô hình của KIST. “Hai bên nhất trí cho rằng việc phát triển khoa học công nghệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hai bên hoan nghênh việc ký thỏa thuận thành lập Viện khoa học công nghệ Việt Nam (V-KIST) được thực hiện dưới hình thức dự án của Cơ quan hợp tác Hàn Quốc (KOICA) và nhất trí hợp tác để dự án này trở thành mô hình hợp tác phát triển thành công giữa hai nước”(1). Vì vậy, một trong những nội dung chủ yếu về chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội phát triển ở nội dung này là việc triển khai thực hiện thành công dự án thành lập V-KIST, để dự án này thực sự “trở thành mô hình hợp tác phát triển thành công giữa hai nước”. Trước mắt, nên khảo cứu kỹ những cách làm cụ thể khi xây dựng V-KIST để chọn lọc các hình thức, bước đi thích hợp và nên coi việc xây dựng V-KIST như một trong những đột phá thực sự trên thực tế, mang tính chiến lược trong lĩnh vực khoa học - công nghệ ở thời điểm hiện nay.
- Phát triển vốn xã hội hay năng lực xã hội: Một bài học quan trọng khác để tìm kiếm cơ hội phát triển từ kinh nghiệm của Hàn Quốc là phát triển vốn xã hội (social capital) hay năng lực xã hội (social capability). Vai trò quan trọng của vốn xã hội hay năng lực xã hội đối với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được thừa nhận và đề cao. Với tư cách là “một sức mạnh nội sinh, tổng hợp của toàn xã hội có khả năng tổ chức các cơ chế tiên tiến để kinh tế phát triển” (2), vốn xã hội hay năng lực xã hội là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần vào tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Theo Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản), để có năng lực xã hội tốt, các giới trong xã hội “phải có những tố chất cần thiết và xã hội phải có các cơ chế cần thiết để các giới nối kết nhau thành một sức mạnh tổng hợp. Tố chất cần thiết của các nhà lãnh đạo chính trị dĩ nhiên là năng lực lãnh đạo (leadership), là khả năng hình thành sự nhất trí (consensus) cao của toàn dân và nhất là ý thức trách nhiệm cao trong việc tạo cơ chế, điều kiện để khơi dậy các tiềm năng của đất nước, trong đó có cả phương châm trọng dụng nhân tài.
Tố chất cần thiết của quan chức là năng lực quản lý hành chính, năng lực nghiệp vụ cao và tác phong đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Tố chất cần thiết của nhà kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) trong đó có tinh thần mạo hiểm, không sợ rủi ro trong đầu tư, tinh thần và nỗ lực khám phá thị trường mới, nguyên liệu mới, công nghệ và phương thức quản lý mới.
Tố chất cần thiết của trí thức là sự quan tâm cao độ vào các vấn đề hiện thực của kinh tế, xã hội và nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp góp phần cải thiện xã hội, góp phần làm cho kinh tế phát triển.
Tố chất cần thiết của giới lao động là trình độ giáo dục ngày càng cao, kỹ năng, năng lực chuyên môn ngày càng được bồi dưỡng và sự hăng say làm việc với tinh thần trách nhiệm.
Các tố chất nói trên có thể một phần do bẩm sinh và do kinh nghiệm mà hình thành, nhưng có thể nói phần lớn là do chính sách, cơ chế tạo nên. Chẳng hạn, Nhật Bản có đội ngũ quan chức giỏi và nhìn chung hội đủ các đạo đức cần thiết là nhờ chế độ thi tuyển nghiêm minh, chế độ đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ tốt,... Hoặc Hàn Quốc có một đội ngũ lao động lành nghề, trình độ hấp thụ kỹ thuật ngày càng cao là nhờ có chính sách chú trọng giáo dục, đào tạo và đầu tư đúng hướng trong khoa học, công nghệ.
Ngoài những tố chất riêng lẻ của các thành phần, của các giới, như trên đã nói, cần phải có các cơ chế, chế độ để nối kết các giới thành một sức mạnh tổng hợp của xã hội. Chẳng hạn, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các giới lãnh đạo chính trị, quan chức, kinh doanh và trí thức thường liên hợp với nhau, chung góp trí tuệ để định ra các chiến lược đúng đắn, các chính sách và biện pháp khả thi, qua các cơ chế hội ý, trao đổi thông tin (communication mechanism) như các tổ tư vấn chính sách, các nhóm trao đổi ý kiến về các ngành công nghiệp, hội đồng xúc tiến xuất khẩu,... Phương thức kinh doanh kiểu Nhật tạo sự tin cậy, gắn bó lâu dài giữa giới doanh nghiệp và giới lao động, giúp giới lãnh đạo doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nguồn nhân lực của xí nghiệp, tri thức mới về công nghệ và kinh doanh lan rộng nhanh trong xí nghiệp”(3).
- Chiến lược CNH hướng về xuất khẩu và bối cảnh quốc tế hiện nay: Sự thành công của Hàn Quốc gắn liền với mô hình CNH hướng về xuất khẩu của những năm 1970-1980. Thời kỳ đó, thế giới chia làm hai cực với không khí chiến tranh lạnh bao trùm. Bối cảnh quốc tế đó ngầm định cuộc cạnh tranh tổng lực giữa hai hệ thống và các quan hệ kinh tế quốc tế chịu sự tác động mạnh của tình hình này.
Tư tưởng cơ bản của CNH hướng về xuất khẩu mà Hàn Quốc đã áp dụng là hệ thống các chính sách làm lợi cho những sản phẩm xuất khẩu. Trong tính hệ thống và đồng bộ của nó, các chính sách khuyến khích xuất khẩu đảm bảo cho những nhà sản xuất nếu đem bán sản phẩm của mình ra thị trường thế giới thì sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với việc đem bán cũng những sản phẩm ấy trên thị trường nội địa. Như vậy, phương châm chung của CNH hướng về xuất khẩu là sản xuất cái thị trường (thế giới) cần và cái mà mình có lợi thế (so sánh) chứ không phải xuất phát từ cái mình cần tiêu dùng để sản xuất nhằm khỏi phải nhập khẩu những thứ đó như cách tiếp cận của mô hình CNH thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với những nước “đến muộn” trong quá trình CNH không phải dễ dàng. Để có được sản phẩm có sức cạnh tranh, nhất là trên thị trường thế giới, nhà cung cấp phải có năng lực, kiến thức, bản lĩnh để đối mặt với những thách thức đầy rủi ro trên thị trường. Các chính sách khuyến khích xuất khẩu thường gồm:
+ Không đánh thuế hàng xuất khẩu hay hàng nhập khẩu là những loại nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.
+ Đánh tụt giá đồng tiền nội địa để làm cho các nhà sản xuất đem hàng đi xuất khẩu sẽ có lợi hơn so với đem bán chúng ở thị trường nội địa.
+ Trợ giá cho xuất khẩu và những hỗ trợ về chính sách khác như giảm bớt thủ tục hành chính, nghiên cứu và xúc tiến mở rộng thị trường... từ phía quản lý nhà nước.
+ Khuyến khích đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong nước để xuất khẩu hàng xuất khẩu.
+ Chính sách cơ cấu xây dựng chủ yếu trên việc xác định và khai thác lợi thế so sánh của nền kinh tế so với thị trường quốc tế.
+ Xây dựng các khu vực mậu dịch tự do, các khu chế xuất với các quy chế đặc biệt để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và giao thương quốc tế,...
Như vậy, mô hình này lấy lợi thế so sánh làm căn cứ xuất phát chủ yếu của chính sách cơ cấu và vừa khuyến khích, vừa đặt các doanh nghiệp trước tình thế phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX, tình hình kinh tế thế giới có sự thay đổi rất to lớn. Sự sụp đổ của hệ thống kinh tế XHCN kéo theo sự chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống và đẩy nhanh xu hướng thị trường hóa toàn cầu. Bối cảnh quốc tế mới đặt ra những nghi vấn về sự tồn tại vai trò to lớn như trước đây của chiến lược CNH hướng về xuất khẩu. Đặc biệt là từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu á bùng nổ hồi tháng 7/1997, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng mô hình CNH hướng về xuất khẩu kiểu Đông á đã đến hồi cáo chung. Vì vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm vận dụng bài học về áp dụng chiến lược CNH hướng về xuất khẩu của Hàn Quốc trước đây cần phải nghiên cứu kỹ bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay.
Dù thế nào thì cũng cần nhấn mạnh rằng, trong điều kiện toàn cầu hóa và thị trường mở, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, theo một nghĩa nào đó, cũng chính là “xuất khẩu”. Nói khác đi, về nguyên tắc, tư tưởng cạnh tranh quốc tế qua giá cả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà mô hình CNH hướng về xuất khẩu đã tạo ra, cho dù ở bất cứ thị trường nào, trong nước hay quốc tế, vẫn có ý nghĩa xuyên suốt trong quá trình CNH hiện tại và tương lai. Vì vậy, có thể những chính sách cụ thể mang tính sách lược nhằm thực hiện chiến lược CNH sẽ có những thay đổi tuỳ theo đòi hỏi của thực tiễn, nhưng việc nâng cao năng lực cạnh tranh theo các tiêu chuẩn mà thị trường thế giới yêu cầu, vẫn sẽ là nguyên tắc chung chi phối và quyết định sự thành bại của quá trình CNH, HĐH. Xét từ góc độ này, tuy những chính sách cấu thành chiến lược CNH hướng về xuất khẩu hiện nay có thể sẽ không còn hoàn toàn giống như những thập kỷ trước, nhưng tinh thần cơ bản của nó và ý nghĩa phương pháp luận của một chiến lược CNH vẫn còn giữ nguyên và mang giá trị thực tiễn cao. Chiến lược này sẽ phải mang đậm dấu ấn của đặc điểm thời đại, thích ứng với tình hình quốc tế mới và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Vì thế, những kinh nghiệm tạo ra động lực cạnh tranh với hàng hoá nước ngoài của những nước đi trước, cho dù chúng được bán ở đâu - trong nước hay ngoài nước - vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với việc hoạch định chính sách và giải pháp thực thi quá trình CNH, HĐH ở một số nước đi sau như Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, tuy chưa phải là tất cả, nhưng về cơ bản, có thể xem những bài học nêu trên là những nội dung quan trọng có thể và nên xem xét học hỏi, chia sẻ và vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm của Hàn Quốc để tìm kiếm các cơ hội phát triển. Trong những năm trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam là tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là một cơ hội tốt để vừa xem xét lại những bài học kinh nghiệm, chính sách của Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới, lại vừa tham khảo, vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm quốc tế, trong đó có kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, với hy vọng tạo nên một “Kỳ tích sông Hồng”.
PGS. TS. Bùi Tất Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn tin: Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 4
Hôm nay : 133
Tháng hiện tại : 16159
Tổng lượt truy cập : 3959607