Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ bảy - 04/11/2023 00:54
(MPI) - Chiều ngày 09/10/2023, Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham dự Hội nghị có thành viên Hội đồng là đại diện các bộ, ngành có liên quan; chuyên gia - ủy viên phản biện. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Theo nội dung báo cáo quy hoạch trình Hội đồng thẩm định, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích tự nhiên trên đất liền 4.947,11 km2, tại tọa độ địa lý từ 160 đến 16,80 vĩ Bắc và từ 1070 đến 108,20 kinh Đông, thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phải tuân thủ và phù hợp định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước; Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; các chủ trương, đường lối, của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình lập và hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế được lập và hoàn thiện trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Phát triển thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng”.

Mặt khác, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã xác định tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong vùng động lực miền Trung. Đây chính là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên Huế xác định sứ mệnh của tỉnh; do vậy, quy hoạch tỉnh lần này cần phải xây dựng một mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả và có tính kết nối cao nhằm khơi dậy những động lực tăng trưởng mới dựa trên các nền tảng hiện hữu và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Để giúp tỉnh Thừa Thiên Huế nhận diện được rõ hơn các hạn chế và điểm nghẽn trong thời gian qua, cũng như định hướng phát triển của tỉnh nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 54/NQ-TW, số 26NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội đã đề ra trong thời gian tới, tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện tham gia ý kiến, tập trung vào ba nhóm vấn đề chính như xem xét về tính hợp lý và phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; Sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, cho ý kiến về nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển đã phù hợp và có tính đột phá để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo mục tiêu mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Các phương án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh đã đảm bảo gắn kết với quy hoạch hệ thống thoát lũ, quy hoạch thủy lợi và kịch bản có liên quan đến biến đổi khí hậu... làm tiền đề để hoàn thành mục tiêu xây dựng, thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Định hướng phát triển đô thị, phân bố không gian đô thị trong quy hoạch tỉnh đã bảo đảm là cơ sở để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; trong đó cần khẳng định việc phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế phải bảo đảm dựa trên nền tảng của hệ thống di tích Cố đô Huế, các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể, các cơ sở văn hóa tâm linh phật giáo và các thắng cảnh thiên nhiên sông Hương, núi Ngự....


Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tỉnh Thừa Thiên Huế có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Cụ thể như, về kinh tế, đây là tỉnh thuộc khu vực vùng biển và ven biển Trung Trung Bộ với 128 km chiều dài bờ biển tiếp cận với ngư trường biển Đông.

Tỉnh có vị trí cửa ngõ thông thương ra biển của tuyến hành lang xuyên Á Đông - Tây qua Bắc Thái Lan - Nam Lào - Miền Trung Việt Nam; có lợi thế kết nối, giao lưu kinh tế thương mại, hàng hải ba miền Bắc - Trung - Nam, kết nối hình thành vành đai kinh tế ven biển Miền Trung. Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích lớn nhất Đông Nam Á là một danh lam thắng cảnh riêng có của tỉnh, có nhiều tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biến và du lịch.

Về văn hóa, Thừa Thiên Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử; là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa; văn hóa cung đình với văn hóa dân gian.

Về tự nhiên, Tỉnh có nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương; điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều động, thực vật quý hiếm.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế và văn hóa, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư và xây dựng hiện đại, đồng bộ; đô thị hóa và hệ thống đô thị phát triển còn chậm, chưa thể hiện thực sự rõ nét bản sắc đô thị Huế...

Những thách thức, điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua cần được nhận diện và tập trung xử lý trong bản quy hoạch lần này để tận dụng được thời cơ bứt phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tạo thêm năng lượng để Thừa Thiên Huế bứt phá phát triển bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.


Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai lập quy hoạch và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch có một số khó khăn, hạn chế và đã nhận được sự quan tâm phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong quá trình triển khai, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể Quốc gia; các quy hoạch ngành Quốc gia, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lập quy hoạch đảm bảo việc tích hợp các quy hoạch có liên quan.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 có tầm quan trọng đặc biệt, là quy hoạch có tính chất bản lề, sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất, hành lang vững chắc cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉnh; là cơ sở, tiền đề để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới; từng bước giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu phát triển đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp Vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành nội dung đề ra và tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Các ý kiến cũng đánh giá, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai quy hoạch đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và môi trường; nội dung quy hoạch thể hiện sự liên kết đồng bộ; nội dung quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.


Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến. Ảnh: MPI

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cảm ơn các ý kiến tham gia góp ý tâm huyết sâu sắc của thành viên Hội đồng, chuyên gia; các ý kiến rất phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; thể hiện sự quan tâm kỳ vọng đối với sự phát triển của tỉnh; là căn cứ quan trọng để tỉnh tiếp tục hoàn thiện; khẳng định với tinh thần cầu thị nhiêm túc, tiếp thu đầy đủ ý kiến

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu quy hoạch đề ra.


Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu Kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến bằng văn bản, trong đó tập trung làm rõ một số nội dung như quy trình lập quy hoạch, nội dung đề xuất đưa vào quy hoạch; làm rõ quan điểm phát triển, bổ sung quan điểm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế cacbon thấp; quan điểm tổ chức không gian phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn,  phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để phù hợp với Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, bổ sung quan điểm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của tỉnh; xác định rõ hơn các động lực đột phá trong tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng của tỉnh;  làm rõ việc lựa chọn, phân bổ không gian, các ngành quan trọng; định hướng phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính đột phá; rà soát để đưa ra phương tổ chức không gian phát triển đảm bảo khoa học, hợp lý; định hướng phát triển các vùng động lực, trục chức năng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như gắn kết các hành lang kinh tế quốc gia, kinh tế ven biển; xác định các khu động lực chính để ưu tiên đầu tư, làm đầu tàu lôi kéo các khu vực khác phát triển.

Về phương án phát triển cơ sở hạ tầng, phải coi là nhiệm vụ trọng tậm, ưu tiên của tỉnh, trong đó chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối liên tỉnh, liên vùng; chú trọng gắn kết hạ tầng giao thông với hạ tầng thủy lợi, hạ tầng phóng chống lũ lụt, thiên tai, biến đổi khí hậu; làm rõ vấn đề liên quan đến đô thị; mô hình kiến trúc với khu vực đô thị trung tâm; rà soát nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính; rà soát nội dung quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy hoạch đã phê duyệt và các quy hoạch ngành quốc gia đang được hoàn thiện; rà soát chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định; rà soát nội dung liên quan đến báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương lập Báo cáo tiếp thu, giải trình; Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Thừa Thiên Huế hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54NQ/TW của Bộ Chính trị./.

Nguồn tin: Theo Tùng Linh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9

Hôm nayHôm nay : 287

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16764

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3844128