Tọa đàm trao đổi về cách tiếp cận mới đối với việc xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông

Thứ sáu - 07/07/2017 22:36
Trong khuôn khổ Chương trình kết nối Mê Kông do Trung tâm Stimson, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức The Nature Conservancy (TNC), Đại học California Berkeley (UCB) và Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) phối hợp với sự hỗ trợ tài chính của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và dự án "Xây dựng đối thoại và quản trị các dòng sông” (BRIDGE) sẽ tổ chức các hội thảo và tập huấn với các bên liên quan, với mục đích tăng cường năng lực về quản lý nguồn nước xuyên biên giới giữa các nước lưu vực sông Sesan, Sekong, Serepok là 3 nhánh sông của sông Mê Kông, thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch tổng thể chiến lược nước - năng lượng trong khu vực Mê Kông. Chiều ngày 29/6/2017, nhóm dự án đã có buổi tọa đàm trao đổi với Viện Chiến lược phát triển về các cơ hội và các công cụ có thể áp dụng trong quy hoạch nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước - năng lượng và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông, tại trụ sở Viện Chiến lược phát triển, 65 Văn Miếu, Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson và các cộng sự đã giới thiệu về cách tiếp cận của Chương trình Kết nối lưu vực Mê Kông. Ông và các cộng sự cho hay: Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc phát triển thủy điện thiếu quy hoạch tốt ở thượng nguồn và cho đến nay Việt Nam vẫn chưa tìm ra một chiến lược hiệu quả để tạo ảnh hưởng lên quy hoạch thủy điện cấp khu vực. Nhóm nghiên cứu cũng đã giới thiệu các chiến lược và phương án thiết kế cho toàn bộ lưu vực. Các phương án liên quan đến việc thay thế các đập trên dòng chính, các bậc thang ở thượng nguồn và việc bảo tồn hệ thống dòng nhánh nhiều phù sa.

Tiến sĩ Eloise Kendy, Giám đốc Chương trình Dòng chảy môi trường, The Nature Conservancy đã chia sẻ về thủy điện theo thiết kế. Thủy điện theo thiết kế mang lại một số lợi ích như: (1) Mang lại lợi ích tài chính cho các nhà đầu tư và người xây dựng do cải thiện việc quản lý rủi do và tăng mức độ hiệu quả của hệ thống; (2) Tăng giá trị kinh tế mang lại cho quốc gia do việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược hơn; (3) Cải thiện các tác động đến môi trường và xã hội.

Quy hoạch cho một tương lai bền vững là vấn đề thứ ba mà bà Nikky Avila, Nghiên cứu viên Nhóm năng lượng, Đại học California, Berkeley giới thiệu. Bà cho biết đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ đóng góp 40% vào tăng trưởng năng lượng toàn cầu (IEA, 2016) và công suất thủy điện được quy hoạch cho lưu vực sông Mê Kông là 44 GW. Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững năng lượng của khu vực.

Tọa đàm cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi từ các cán bộ Viện Chiến lược phát triển về các vấn đề như: Làm sao khai thác nguồn thủy năng nhưng vẫn đảm bảo phát triển các ngành khác hoặc thay thế bằng ngành khác như thế nào để đảm bảo việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống của người dân; Kênh nào thúc đẩy việc hợp tác quy hoạch xây dựng đập giữa Việt Nam – Lào; Việt Nam cần có cơ chế chính sách nào để thu hút nhà đầu tư Mỹ trong vấn đề thủy điện; Các chính sách trong tương lai khi nguồn tài nguyên đã khai thác cạn kiệt,…

Kết thúc tọa đàm, Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Vịnh chân thành cảm ơn những chia sẻ của nhóm dự án BRIDGE - 3S BASIN và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai./.

Nguồn tin: Viện Chiến lược phát triển.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 6

Hôm nayHôm nay : 484

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16016

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843380