Trong suốt chặng đường đổi mới những năm qua, cùng với sự phát triển chung của kinh tế, sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm ở nước ta có tốc độ tăng trưởng cao. Một số mặt hàng đã giữ vững vai trò bảo đảm an ninh lương thực và có kim ngạch xuất khẩu luôn thuộc nhóm các nước đứng đầu như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, rau củ quả, thủy hải sản, sản phẩm nuôi trồng,… Chất lượng và cơ cấu hàng hoá nông sản thực phẩm cũng có nhiều thay đổi tích cực. Tuy vậy hiện nay, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nước ta đang gặp phải những khó khăn và thử thách lớn cả về giá cả, chất lượng, chủng loại và những rào cản gia nhập thị trường. Hầu hết các mặt hàng nông sản thực phẩm chính đang đứng trước nguy cơ ứ đọng, giá giảm mạnh, chất lượng sau thu hoạch kém đi làm cho việc tiêu thụ khó khăn hơn. Những thách thức này nền nông nghiệp nước ta cũng đã gặp phải vào đầu những năm 2000, nhưng với mức độ và quy mô nhỏ hơn hiện nay.
Trên thực tế, hàng hoá nông sản thực phẩm khi đã bị ứ đọng giảm giá thì không thể cân đối cung cầu bằng cách dừng hay giảm hoặc giãn tiến độ thu hoạch ngay được vì cây trồng vật nuôi đến mùa vụ thì bắt buộc phải thu hoạch. Những giải pháp cân đối sản xuất thì phải có quy hoạch, kế hoạch định kỳ được xây dựng trước khi thu hoạch sản phẩm. Hơn nữa, năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp của nước ta còn thấp nên tổng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng chậm. Vì vậy, giải pháp cấp bách áp dụng ngay trong và sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp hiện nay phải là: Đẩy mạnh cạnh tranh trong các khâu thu mua, chế biến, lưu thông, phân phối, dự trữ, bảo quản, khuyến khích tiêu dùng để tiêu thụ, xuất khẩu hiệu quả nhất lượng nông sản thực phẩm đã và đang thu hoạch này. Lúc này, phát triển cạnh tranh sau thu hoạch nông sản thực phẩm, mở rộng lưu thông trở nên quyết định đối với việc giải phóng hàng hóa nông sản thực phẩm đã được sản xuất đến kỳ thu hoạch; vì vậy cần thiết phải phân tích rõ vai trò của cạnh tranh và lưu thông đối với việc tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm nói chung. Các giải pháp trước mắt và lâu dài về cạnh tranh trong khâu lưu thông để tiêu thụ sản phẩm cần được đưa ra và xem xét; từ đó có sự đầu tư đúng mức các nguồn lực cho cạnh tranh phát triển lưu thông, phân phối, tiêu thụ hàng hoá nông sản thực phẩm hiện nay.
Những thuận lợi, khó khăn trong tiêu thụ nông sản thực phẩm
Ở nước ta, sản phẩm nông nghiệp truyền thống chiếm tỷ trọng lớn; cách thức sản xuất theo tập quán lâu đời, dựa nhiều vào lợi thế tự nhiên, do đó phụ thuộc nhiều vào thời tiết và mang nặng yếu tố thời vụ, ít có lợi thế cạnh tranh. Nhiều loại hàng nông sản sản xuất ra chỉ để phục vụ nhu cầu tại chỗ hoặc thị trường trong nước, trong khi hàng nông sản cùng chủng loại này của các nước láng giềng có chất lượng tương đương nhập khẩu số lượng lớn vào Việt Nam. Ngoài ra, một số nông sản chủ yếu là sản xuất để xuất khẩu, phụ thuộc phần lớn vào thị trường tiêu thụ ngoài nước.
Về thuận lợi: Sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, đạt kết quả cao, một phần không nhỏ là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ. Có thể kể đến một vài yếu tố lợi thế cho phát triển nông nghiệp như: thị trường tiêu thụ được mở rộng và hội nhập sâu; chi phí lưu thông giảm; năng lực cạnh tranh và trình độ phát triển được cải thiện; các tiến bộ khoa học công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi; thông tin hàng hoá thị trường nhanh nhạy,... Bên cạnh đó, công tác kiểm soát cạnh tranh, chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với hàng hoá nông sản đang được quan tâm và đẩy mạnh.
Về khó khăn: Tình hình thiên tai, thời tiết, khí hậu biến đổi ngày càng không thuận dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, khả năng cạnh tranh thấp. Thị trường tiêu thụ nông sản chất lượng trung bình đang bão hoà, sản phẩm ứ đọng. Những mâu thuẫn bộc lộ trong cân đối cung cầu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tính thời vụ của nông sản; giá cả tăng, giảm nhanh, tạo mặt bằng giá bất hợp lý. Các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại đang dần lạc hậu, tỷ trọng đầu tư mới cho khâu lưu thông phân phối rất thấp; năng lực cạnh tranh của hàng hoá, doanh nghiệp kinh doanh nông sản còn chưa cao.
Cạnh tranh trong lưu thông thúc đẩy tiêu thụ nông sản thực phẩm
Môi trường cạnh tranh trong lưu thông các sản phẩm nông sản thực phẩm sẽ tạo áp lực phát triển nhiều loại hình kinh doanh tiến bộ trong thu mua, bảo quản, chế biến, dự trữ, tiêu thụ nông sản. Một số lợi ích khác của cạnh tranh là: mở rộng cung ứng hàng hoá nông sản cho chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu; bảo đảm dự trữ, bảo quản hàng hoá nông sản trong từng khâu chế biến, lưu thông từ đó ổn định nguồn hàng, chất lượng cho tiêu dùng; thúc đẩy tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản, tạo áp lực vận dụng các hình thức tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại phong phú để tiêu thụ nông sản. Việc cạnh tranh còn kích thích tiêu dùng những mặt hàng nông sản mới, hàng nông sản chế biến, hàng chất lượng cao; các đơn vị phân phối cần ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, cập nhật phổ biến thông tin mới, cạnh tranh dịch vụ sau bán hàng. Cạnh tranh lành mạnh còn phản ánh nhu cầu thị trường, tác động tích cực trở lại đối với sản xuất nông nghiệp cũng như góp phần chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lưu thông, xuất nhập khẩu hàng nông sản, từ đó phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm cạnh tranh để tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Kể từ khi chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì hoạt động cạnh tranh đã xuất hiện trên thị trường nói chung và trong ngành hàng nông sản nói riêng. Cạnh tranh hợp pháp trở thành hoạt động tất yếu trên thị trường với ngày càng nhiều chủ thể tham gia. Để bảo đảm vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đã luôn có những quy định phù hợp cho từng thời kỳ nhằm bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh.
Cùng với các đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, năm 2004, Quốc hội ban hành Luật Cạnh tranh. Luật này nêu rõ nguyên tắc: Việc cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng. Với chủ thể cạnh tranh là các tổ chức, cá nhân kinh doanh và liên quan thì các doanh nghiệp nông nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm đang là nhóm chủ thể cạnh tranh đông đảo nhất trên thị trường nước ta. Tuy vậy, họ lại đang là nhóm chủ thể cạnh tranh yếu nhất. Gần đây, nhất là từ năm 2016, Chính phủ có nhiều chính sách bảo đảm tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật và hành động quyết liệt để bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh nông sản thực phẩm.
Một số kết quả đạt được: Nông nghiệp, nông sản thực phẩm đã từng bước cạnh tranh có kết quả với khu vực và các ngành hàng khác; thị phần hàng nông sản thực phẩm Việt Nam trên thị trường tiêu thụ được mở rộng và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giá thành sản phẩm và giá cả hàng hóa ngày càng giảm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; năng lực và hiệu quả cạnh tranh của một số hàng hóa và doanh nghiệp kinh doanh nông sản ngày càng cao; nhiều mặt hàng được ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đang phát triển rộng rãi. Các thông tin về nhu cầu hàng hoá, thị trường tiêu thụ đến với nông nghiệp một cách nhanh nhạy, kịp thời đã tạo lập được môi trường kinh doanh cạnh tranh sôi động. Nhờ đó, việc chống vi phạm cạnh tranh, thao túng thị trường và gian lận thương mại đối với hàng hoá nông sản thực phẩm đang được kiểm soát.
Những hạn chế: Chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản thực phẩm và doanh nghiệp nông nghiệp thấp là điều kiện để hàng hóa nông sản ngoại và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với tốc độ nhanh. Bên cạnh đó, thị phần của hàng nông sản thực phẩm Việt Nam chất lượng trung bình đang giảm nhanh trên thị trường tiêu thụ. Giá cả hàng hóa biến động thất thường, tạo nên mặt bằng giá mua bán bất hợp lý và các vụ việc vi phạm cạnh tranh, hạn chế cạnh tranh, phản cạnh tranh,... ngày càng tinh vi, phức tạp cũng là những góc khuất của thị trường hiện nay. Về mặt luật pháp, một số quy định của cơ quan nhà nước các cấp ở địa phương vẫn cản trở hoạt động kinh doanh, cạnh tranh hợp pháp của doanh nghiệp. Tình trạng gian lận trong sử dụng nguyên liệu nông, lâm, thủy, hải sản để chế biến thực phẩm tiêu dùng và hàng hóa xuất khẩu đang làm méo mó thị trường, giảm đáng kể hiệu quả cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy, hải sản và thực phẩm của Việt Nam.
Có thể liệt kê một số vụ việc và dấu hiệu vi phạm cạnh tranh trong kinh doanh sản phẩm và nguyên liệu nông sản trong những năm gần đây như:
- Việc quy định chỉ một số lượng nhất định các doanh nghiệp được mua lúa gạo với giá sàn chung tại một thời kỳ là tạo nên một nhóm doanh nghiệp thống lĩnh, độc quyền trong kinh doanh lúa gạo. Việc này dẫn đến nhiều khả năng lạm dụng vị thế thống lĩnh, độc quyền của nhóm doanh nghiệp và hiệp hội kinh doanh lúa gạo, gây hạn chế đáng kể sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trong việc tiêu thụ lúa gạo cho sản xuất nông nghiệp. Nội dung này bị cấm tại Điều 6 và Điều 13 của Luật Cạnh tranh. Đây cũng không phải là quy định để bảo đảm an ninh lương thực hoặc giữ đầu mối xuất khẩu lúa gạo.
- Việc quy định khi xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm phải có giấy kiểm dịch và chứng nhận chất lượng là không cần thiết. Những quy định này chỉ cần thiết khi nhập khẩu nông sản thực phẩm vào Việt Nam.
- Việc quy định giá trần bán sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng tạo nên một mặt bằng giá chung, gây hạn chế cạnh tranh đối với nhóm hàng thực phẩm này. Tương tự như với lúa gạo nêu trên.
- Một số doanh nghiệp FDI lớn có thị phần trên 30% như doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh con giống, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm đồ uống, thực phẩm chế biến, kinh doanh thuốc thú y, phân bón,… đưa ra các quy định lôi kéo khách hàng, chỉ bán hàng của doanh nghiệp lớn hoặc tăng giảm giá, khuyến mại, chi hoa hồng,… bất hợp lý. Đây là dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh vi phạm cạnh tranh, bị cấm ở Điều 12 Luật Cạnh tranh.
- Một số cơ sở lớn trong khu vực tổ chức chế biến, giết mổ tập trung chỉ mua, bán hàng với một hoặc một nhóm các nhà trồng trọt, chăn nuôi hoặc khu vực nông nghiệp nhất định là dấu hiệu phân biệt đối xử, bị cấm tại Điều 13 Luật Cạnh tranh.
- Một số doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thống nhất quy định giá bán bảo hiểm, lãi suất cho vay, … trong nông, lâm, ngư nghiệp theo cùng một tỷ lệ phần trăm và phân chia địa bàn mỗi doanh nghiệp bán ở một địa bàn là dấu hiệu thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bị cấm ở Điều 8 và 9 của Luật Cạnh tranh.
- Hành vi của một số doanh nghiệp FDI và siêu thị lớn tăng giá vượt quá 5% giá bán trứng gà, thịt lợn,… trong dịp Tết; tăng cao tỷ lệ chiết khấu đối với hàng nông, lâm, thủy, hải sản thời gian vừa qua là dấu hiệu hành vi bị cấm: tăng giá bất hợp lý.
- Một số hãng bán lẻ lớn đã bán thực phẩm nhập khẩu với giá rẻ hơn cả giá đã bao gồm thuế nhập khẩu là dấu hiệu hành vi bị cấm: bán hàng dưới giá thành toàn bộ.
- Một số siêu thị lớn không công khai mua bán thịt lợn, dưa hấu, hành tím giá thấp (thịt lợn 40.000đ) mà chỉ nhập của số ít nhà cung ứng bán với giá cao (thịt lợn 80.000đ) là dấu hiệu của hành vi bị cấm: chỉ mua hàng hóa từ một hoặc một số nguồn cung nhất định, hạn chế phân phối hàng hóa.
- Một số hãng bán lẻ, siêu thị lớn chỉ bán hàng nông sản thực phẩm ngoại nhập hoặc hàng của các doanh nghiệp FDI là dấu hiệu hành vi bị cấm: phân biệt đối xử với các doanh nghiệp trong điều kiện giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh.
- Nhiều công ty đa quốc gia, doanh nghiệp FDI có thương hiệu lớn đang tiến hành tập trung kinh tế mua bán, sáp nhập, liên doanh, hợp nhất trên thị trường kinh doanh và chế biến nông sản thực phẩm. Nó gây nên sự hạn chế cạnh tranh, có biểu hiện vi phạm tập trung kinh tế bị cấm, quy định trong Luật Cạnh tranh.
Một số giải pháp cấp bách bảo đảm cạnh tranh trong chế biến, lưu thông nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản thực phẩm
Thứ nhất, tạo lập môi trường và khuyến khích cạnh tranh, chống vi phạm và hạn chế cạnh tranh. Chính phủ ban hành chính sách tạo sự sôi động trên thị trường mua bán, trao đổi hàng hoá, bảo hộ quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh hợp pháp đối với hàng hóa nông sản thực phẩm; có chính sách khuyến khích, động viên nhiều chủ thể, thương nhân tham gia kinh doanh, chế biến, tiêu thụ nông sản; ưu đãi các nhà đầu tư, xây dựng những doanh nghiệp lớn dự trữ, cung ứng hàng nông sản thực phẩm cho các kênh lưu thông, phân phối nông sản. Ngoài ra, Chính phủ cần ban hành các chính sách nhằm xoá bỏ các rào cản gia nhập thị trường kinh doanh nông sản thực phẩm trong nước; ký kết các hiệp định thuận lợi thương mại xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm ở ngoài nước; xây dựng các hàng rào kỹ thuật cao hơn đối với hàng nông sản nhập khẩu.
Mục tiêu quan trọng là giữ vững tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp cả về quy mô sản lượng, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động để giảm giá thành sản phẩm, tạo thêm năng lực cạnh tranh, liên tục phát triển và chiếm lĩnh thị phần; hoàn thiện chính sách và phát triển cơ quan cạnh tranh để thúc đẩy hoạt động cạnh tranh, kiểm soát chặt chẽ; hạn chế cạnh tranh như: độc quyền, thống lĩnh, chi phối, thao túng, thâu tóm hoặc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Thứ hai, hành động tích cực từ phía các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Doanh nghiệp nông nghiệp cần tổ chức các cơ sở bán hàng ngay tại nơi sản xuất, tại kho hàng để tạo nên sự cạnh tranh đối trọng giữa các kênh phân phối đầu nguồn và cuối nguồn trong tất cả các khâu thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ hàng hoá nông sản thực phẩm. Nông sản thực phẩm chủ yếu được sản xuất ở nông thôn, miền núi nhưng được tiêu dùng phần lớn ở thành thị và nước ngoài. Vì vậy phải tổ chức hợp lý khâu vận tải, kho tàng, bến bãi, nhà xưởng ở nông thôn, thành thị, bến cảng, cửa khẩu. Doanh nghiệp lập kế hoạch chế biến, bảo quản, dự trữ hợp lý trong khâu lưu thông phân phối; chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ trong tổ chức vận động hàng hoá, giảm chi phí lưu thông; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại, nguồn vốn kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cần bố trí nguồn vốn tự chủ và ưu đãi cho lĩnh vực lưu thông phân phối tương ứng với vai trò nhiệm vụ đang đảm nhiệm, có đủ nguồn lực để dự trữ, bảo quản, chế biến và xúc tiến tiêu thụ nông sản; áp dụng linh hoạt các phương thức kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh; củng cố, duy trì các kênh lưu thông phân phối truyền thống kết hợp với phát triển các loại hình hiện đại như: xây dựng các trung tâm, siêu thị, khu thương mại cửa khẩu, bến bãi trung chuyển mới; áp dụng và phổ biến các loại hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, bán hàng giao sau, tham gia chuỗi giá trị,…; áp dụng các hình thức xuất khẩu giao hàng đến thị trường tiêu thụ, đến kho của ngoại quan, đến địa điểm do bên mua chỉ định,… Doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản thực phẩm Việt Nam và quảng bá sản phẩm, khuyến khích, định hướng tiêu dùng, vận động người tiêu dùng sử dụng hàng nông sản thực phẩm Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu.
Thứ ba, cần quyết liệt yêu cầu đối với các cơ quan cạnh tranh và cơ quan liên quan khẩn trương kiện toàn phát triển nâng cao năng lực để xây dựng trình Chính phủ các quy định, chính sách tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Các cơ quan, bộ, ngành chức năng cần củng cố bộ máy để bảo đảm thường xuyên kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi hạn chế cạnh tranh trên thị trường kinh doanh nông sản thực phẩm, bao gồm các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh, vị thế độc quyền trên thị trường; các hành vi tập trung kinh tế, mua, bán, sáp nhập,… doanh nghiệp; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, các dấu hiệu vi phạm cạnh tranh cần được rà soát, điều tra kịp thời; xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật cạnh tranh trên thị trường nông sản thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần cảnh báo kịp thời các doanh nghiệp có hoạt động vi phạm và hạn chế cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân liên quan trên thị trường sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp./.
TS. Trần Mai HiếnChánh Văn phòng Hội đồng cạnh tranh