Phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

Thứ tư - 26/07/2017 13:25
(MPI) – Phấn đấu tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP năm 2020 đạt khoảng 50% và năm 2035 đạt khoảng 60-65% là mục tiêu của dự thảo Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Kinh tế tư nhân đang có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.” (Khoản 2, Điều 51) và “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; Phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” (Khoản 3, Điều 51).

Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất vào GDP trong nhiều năm qua. Năm 2015, kinh tế tư nhân (bao gồm cả kinh tế cá thể) đóng góp 39,21% GDP so với 28,7% của khu vực kinh tế Nhà nước, 18,07% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và 4,04% của khu vực kinh tế tập thể. Kinh tế tư nhân có đóng góp lớn nhất và có vai trò đặc biệt quan trọng về tạo việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó: số lao động tăng từ 32,3 triệu người năm 2000 lên 45,45 triệu người năm 2015 và chiếm khoảng 85- 87% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ nền kinh tế tính chung cho cả giai đoạn 2000- 2015. Thu nhập bình quân của người lao động tăng từ khoảng 23 triệu đồng năm 2007 lên 74 triệu đồng năm 2015.

Cùng với đó, kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp nhiều vào đầu tư, dần trở thành bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực tư nhân tốt hơn so với các thành phần kinh tế khác, cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực nhà nước. Doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng có vai trò lớn hơn trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế tư nhân, cùng với việc giảm dần vai trò của kinh tế Nhà nước trong sản xuất kinh doanh làm cho mức độ cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực tăng lên, là yếu tố góp phần nâng cao mức độ phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn còn tồn tại, hạn chế, tỷ trọng đóng góp vào GDP gần như không đổi, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm. Quy mô của kinh tế tư nhân còn nhỏ, phát triển chậm. Hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh chậm cải thiện, thể hiện ở năng suất lao động của kinh tế tư nhân còn thấp, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp khu vực tư nhân chưa cao, trình độ lao động còn hạn chế và khả năng chống chịu với tác động bên ngoài kém, nhất là qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính tiền tệ, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn.

Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững

Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; Đến năm 2025 là khoảng 1,5 triệu và đến năm 2030 khoảng 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP năm 2020 đạt khoảng 50% và năm 2035 đạt khoảng 60-65%. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với nhóm dẫn đầu của khối ASEAN (ASEAN-4); Số lượng doanh nghiệp của khu vực tư nhân có đổi mới, sáng tạo và tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Để đạt được những mục tiêu đề ratrên cơ sở các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Đề án đã cụ thể hóa và kiến nghị 07 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: Sửa đổi các quy định bất hợp lý đang làm gia tăng thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ khởi sự đến xây dựng cơ sở kinh doanh, tiếp cận các hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thiết yếu phục vụ kinh doanh, vận hành hoạt động kinh doanh và lưu thông hàng hóa và dịch vụ. Khẩn trương ban hành và thực hiện có hiệu quả các quy định hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua, trong đó chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh doanh; Hỗ trợ nâng cao khả năng tham gia các liên kết, chuỗi giá trị thông qua tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo và hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực chất và hiệu quả để tạo cơ hội phát triển cho kinh tế tư nhân. Khuyến khích hơn nữa kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các DNNN khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Tiếp tục phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường để tạo môi trường tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính quyền kiến tạo, phục vụ cộng đồng kinh doanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước với bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ cao.

Đồng thời, tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề hoạt động đúng với mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ, hỗ trợ cho các thành viên phát triển.

Ban hành quy định và chính sách khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp theo nguyên tắc thuận lợi nhất về thủ tục chuyển đổi; Tối thiểu hóa chi phí tuân thủ phát sinh do chuyển đổi mô hình, trước hết là chi phí tuân thủ về tổ chức quản trị, về chế độ kế toán và về chi phí thuế. Hỗ trợ nâng cao năng lực của kinh tế tư nhân thông qua cơ chế khuyến khích áp dụng các mô hình quản lý, quản trị hiện đại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ doanh nhân, tạo điều kiện hình thành những doanh nhân có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và giàu lòng yêu nước.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng Đề án, tại Tờ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng kết hợp, lồng ghép với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Thúy Quyên

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 85

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12862

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4017073