Cơ hội doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng
Thứ năm - 15/03/2018 22:38
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), Lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại Thủ đô Santiago của Chile.
Tham gia Lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hiệp định CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định này nên ngay từ khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước TPP tìm hướng đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam.
Sau khi các nước đã thống nhất được toàn bộ các nội dung đàm phán và hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, Bộ Công Thương đã kịp thời công bố toàn văn Hiệp định CPTPP (lời văn tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt) lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của Hiệp định này.
Để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, các bộ, ngành liên quan sẽ tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng. Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Với những giải pháp này cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
Để tận dụng được các lợi ích, trước hết, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là kênh thông tin hữu ích cho tất cả các đối tượng quan tâm đến Hiệp định CPTPP.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu./.
Nguồn tin: TTXVN/Vietnam