Thương mại Việt Nam - ASEAN chững lại, vì sao?

Chủ nhật - 27/04/2014 23:00
Tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Đông Nam Á (ASEAN) đang chậm lại trong vài năm gần đây mặc dù hàng rào thuế quan giữa các nước này đã được gỡ bỏ dần theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 17-5-2010.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong ba tháng đầu năm nay xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt trên 4,5 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ trong ba tháng đầu năm nay mà từ hơn hai năm qua, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng trưởng chậm lại, cụ thể năm 2010 là 19,4%, năm 2011 là 28,8%, năm 2012 là 9,4% và năm 2013 là 3,5%.   

Trong ba tháng đầu năm nay, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines lần lượt là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam qua hầu hết các nước ASEAN đều tăng nhẹ, thì qua ba thị trường lớn nhất tại đây lại sụt giảm. Trong đó, Campuchia là thị trường có sự sụt giảm mạnh nhất của hàng hóa Việt Nam, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vẫn chủ yếu là gạo, dầu thô

Theo cam kết trong ATIGA, thuế suất của nhiều mặt hàng buôn bán nội khối ASEAN đã giảm dần xuống 0%, bắt đầu từ ngày 17-5-2010. Trong đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ khoảng 93% tổng số dòng thuế, tức đưa thuế suất xuống 0%, vào năm 2015 và một số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018 (giảm xuống 0% vào năm 2018).

Trước khi có ATIGA, trong giai đoạn 2005-2009, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN các mặt hàng như gạo, dầu thô, máy móc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Hiện nay cơ cấu này hầu như không thay đổi, có chăng là mặt hàng điện thoại di động được xuất khẩu mạnh.

Do đó, một khi việc xuất khẩu gạo, dầu thô từ Việt Nam sang ASEAN giảm mạnh sẽ ảnh hưởng ngay đến kim ngạch chung. Chẳng hạn như, trong ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia giảm 13% (giảm hơn 150 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang thị trường này giảm 20,8% (giảm hơn 68 triệu đô la Mỹ).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong ba tháng đầu năm 2014, ASEAN tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU), với kim ngạch ước đạt 4,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. (Số liệu thực tế của Tổng cục Hải quan cho thấy mức tăng thực tế là 2,2%).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với các thị trường xuất khẩu chính khác, như Mỹ (ước đạt 5,9 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 23%), EU (ước đạt 5,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,5%), và Trung Quốc (ước đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 30,2%).

Hay, trong ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines tăng gần 46%, chủ yếu do gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng hơn sáu lần, đạt 175,3 triệu đô la Mỹ.

Điều này cũng được thể hiện rõ trong phân tích của Tổng cục Hải quan về thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong năm 2013. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 18,4 tỉ đô la Mỹ,  chỉ tăng 4,4% và nhập khẩu đạt 21,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,7% so với năm 2012.

Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, trong năm 2013, mặc dù nhóm hàng điện thoại và máy vi tính, sản phẩm điện tử Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN tăng cao, nhưng các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này lại giảm mạnh, như gạo giảm 51,3%, và dầu thô giảm 14,4%. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Philippines giảm từ mức 1,1 triệu tấn trong năm 2012 xuống còn hơn 500.000 tấn, Indonesia giảm từ 930.000 tấn xuống còn 150.000 tấn.

Theo bà Phạm Chi Lan, trong thời gian đầu sau khi hiệp định có hiệu lực (Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 17-5-2010 - PV), việc giảm thuế sẽ kích thích sự tăng trưởng của những nhóm hàng bấy lâu phải chịu rào cản thuế quan. Tuy nhiên, có khả năng những mặt hàng này đã đến ngưỡng, nên không tăng hơn được nữa. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường ASEAN các sản phẩm thô, tài nguyên, trong khi hiện giờ tài nguyên không còn nhiều nữa.

Chưa thâm nhập sâu và bị cạnh tranh

Tại sao đến thời điểm này, xuất khẩu chính của Việt Nam qua thị trường ASEAN vẫn là gạo, xăng dầu các loại?

Tại khu vực ASEAN, Campuchia là một trong những thị trường chính của doanh nghiệp Việt Nam nhờ sự gần gũi về địa lý, với các mặt hàng như hàng gia dụng, thực phẩm... Mặc dù đã khai thác thị trường này trong nhiều năm, nhưng nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu được lượng nhỏ hàng hóa và  gần đây còn bị sụt giảm do tình hình bất ổn tại Campuchia.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, hiện công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Campuchia và Lào, trong đó Campuchia vẫn là thị trường chính.

Sau mấy năm xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia, tức có người đứng ra làm đại lý mua đứt bán đoạn sản phẩm của doanh nghiệp sau đó chở sang Campuchia bán, đến tháng 8-2012 Vissan khai trương văn phòng đại diện ở Campuchia.

Ông Mười cho biết, trước đây lượng hàng công ty bán qua Campuchia rất nhỏ, nhưng vì nhận thấy tiềm năng của thị trường này, nên Vissan lập văn phòng đại diện, tạo kênh phân phối. Sau đó, lượng hàng Vissan xuất khẩu sang thị trường này (chủ yếu đồ hộp, xúc xích) có cải thiện, nhưng được vài tháng thì xảy ra bất ổn chính trị sau bầu cử tại Campuchia. Do đó, hiện công ty chủ yếu cầm chừng và cố gắng duy trì kênh phân phối tại thị trường này.

Mặc dù được xem là một trong những doanh nghiệp “đánh” mạnh vào thị trường Campuchia với việc có cơ sở vật chất, hệ thống kinh doanh tại đây, nhưng ông Mười cho rằng, nhìn chung lượng hàng xuất khẩu của Vissan sang thị trường này vẫn thấp và vẫn đang ở bước đầu “để người Campuchia làm quen với sản phẩm của công ty”.

Ông Mười cho biết một trong các rào cản lớn của Vissan tại Campuchia là việc hàng hóa Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường này với giá rẻ hơn sản phẩm của Vissan 10-15%, mặc dù chất lượng theo ông Mười đánh giá là không bằng của Vissan.

Cũng là doanh nghiệp được đánh giá là thành công ở thị trường Campuchia, nhưng Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến mấy năm qua chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nhựa gia dụng qua các thị trường Úc, châu Âu, và lượng rất ít sang thị trường Campuchia và Myanmar. Thị trường chính của công ty hiện vẫn là nội địa.

Theo ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Đại Đồng Tiến, trước đây công ty từng cử nhân viên qua Campuchia để nghiên cứu thị trường, xúc tiến bán hàng, tìm đối tác, nhưng sau đó đã rút nhân viên về do chủ trương tập trung thị trường nội địa của công ty.

Hiện Đại Đồng Tiến chưa xây dựng kênh phân phối hàng hóa tại thị trường này, chỉ xuất khẩu lượng rất nhỏ sang Campuchia qua đối tác tại đây.

Những doanh nghiệp xuất khẩu sang Campuchia qua đường chính ngạch như hai công ty trên hiện không nhiều, phần lớn doanh nghiệp vẫn chủ yếu mua đứt bán đoạn cho đại lý để họ gom hàng qua bán tại Campuchia. Hình thức mua bán như thế này cũng đang gặp khó khăn.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), từ cuối năm 2013, khi hải quan Campuchia siết chặt công tác kiểm hóa, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa tổng hợp đã gặp khó khăn trong việc kê khai hải quan, vì thường nhập một lô hàng với rất nhiều mặt hàng khác nhau. Trong khi đó, hàng hóa từ Trung Quốc, Thái Lan xuất khẩu sang Campuchia thường theo các lô hàng lớn, thuận lợi cho công tác kê khai, kiểm hóa tại cửa khẩu.

Cũng theo ITPC, nếu chủ yếu bán hàng cho thương nhân Campuchia để họ tự phân phối thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó phát triển thị trường này vì việc phân phối không chủ động và khó điều chỉnh trong những thời điểm khó khăn. Trong khi đó, nhà phân phối Campuchia luôn có xu hướng đa dạng hóa nguồn hàng nên dễ thay đổi quan hệ đối tác với các nhà sản xuất của Việt Nam.

Thu Nguyệt

Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4

Hôm nayHôm nay : 545

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16277

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843641