Hội thảo khoa học “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam”

Thứ tư - 16/04/2014 01:23
Để phát triển nhanh và bền vững, tránh “bẫy thu nhập trung bình” và tiếp tục phát triển thành nước có thu nhập cao trong tương lai, Việt Nam phải quan tâm cải thiện năng suất lao động và năng suất tổng hợp, chất lượng tăng trưởng.
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam”  do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 15/4.
Nguy cơ sập “bẫy thu nhập trung bình”
 
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng:  Kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp) từ năm 2010 với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD. Năm 2011-2013 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,6%/năm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước khác khi đạt được mức thu nhập trung bình đều quan tâm đến nguy cơ vướng “bẫy thu nhập trung bình” (TNTB) liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động và năng suất tổng hợp, chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chỉ số xếp hạng toàn cầu của quốc gia…
 
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân (KTQD), cho biết: Với GDP bình quân đầu người của Malaysia là 10.567 USD vào năm 2010 thì nước này đang ở vào bẫy thu nhập trung bình cao. Với việc mới trở thành nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn còn dư địa thời gian để nỗ lực tránh bẫy. Cụ thể, nếu đạt mức mức tăng GDP bình quân đầu người trung bình khoảng 6,1% thì đến năm 2024 (sau gần 2 thập kỷ) Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình cao. Tuy vậy, một trong những lo ngại là vấn đề năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức khá thấp: Năm 2011 năng suất lao động bằng 1/16 lần Singapore, bằng 1/2 khối ASEAN. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm khá nhanh và liên tục từ cuối năm 2007, đến giai đoạn cuối năm 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, tăng trưởng các nước ASEAN-5 đều khởi sắc hơn kể từ giai đoạn cuối năm 2009.
 
Những đóng góp của tổng năng suất nhân tố (TFP) giảm sút cho thấy thời gian qua Việt Nam vẫn tăng trưởng theo chiều rộng, ngay cả chiều rộng thì tăng trưởng của ta vẫn thiên về yếu tố vốn hơn là lao động. Có cùng quan điểm, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, tái khẳng định: Nhật Bản lương tăng 9% nhưng năng suất lao động tăng hơn 10%, tăng trưởng của Việt Nam không có chất lượng như Nhật Bản, lương tăng nhưng năng suất lao động không tăng nhiều. TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng chưa thể khẳng định Việt Nam rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” nhưng những dấu hiệu đã cho thấy những nguy cơ nếu không cải cách.
 
Cần có những giải pháp cấp bách
 
Theo GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để phát triển nhanh và bền vững, tránh “bẫy thu nhập trung bình” và tiếp tục phát triển trở thành quốc gia có thu nhập cao trong tương lai đang là vấn đề quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách. TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Việt Nam đang đặt mục tiêu công nghiệp hóa đất nước, nhưng việc tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đang có xu hướng tăng mạnh thì lĩnh vực công nghiệp cần hết sức lưu ý. Vì khác với việc chuyển dịch cơ cấu tại các nước phát triển, việc chuyển dịch cơ cấu sang lĩnh vực dịch vụ khá sớm có thể là một dấu hiệu “giải công nghiệp hóa”, là một nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững cần phải xem xét để có giải pháp khắc phục. Việc phân bổ nguồn lực cũng cần phải thay đổi để nguồn lực phải đi vào nơi tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn chứ không để lãng phí như hiện nay.
 
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết: Những nền kinh tế Đông Á đã thành công trong việc thoát khỏi bẫy TNTB đều có chung một số nhân tố, trong đó có đóng góp quan trọng là việc phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về công nghệ băng thông rộng và truyền thông tốc độ cao. Việc tự do hóa các mạng viễn thông và những khuôn khổ pháp lý liên quan giúp các nước này phát triển và nâng cao hiệu quả các dịch vụ thông tin và truyền thông. Những nền kinh tế khác trong khu vực đã thoát bẫy TNTB như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) đã thành công trong việc trở thành trung tâm khu vực trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện.
 
Một yếu tố then chốt để chuyển tiếp từ vị thế thu nhập trung bình lên thu nhập cao là thúc đẩy ranh giới công nghệ và chuyển tiếp lên từ chỗ mô phỏng và nhập khẩu công nghệ nước ngoài đến đổi mới công nghệ riêng của mình. Sự bảo hộ mạnh quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo nội sinh này. Theo Doing business, các nền kinh tế mới nổi như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore có quyền sở hữu trí tuệ sánh ngang với Nhật Bản, Hoa Kỳ, những nước dẫn đầu về đăng ký sáng chế các công nghệ của riêng mình.
 
Nhấn mạnh yếu tố nhân lực, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng việc phát triển nguồn nhân lực và lao động cần có sự linh hoạt. Giai đoạn đầu phát triển thì  khả năng chuyên môn hóa chủ yếu sao chép và thích nghi các công nghệ có sẵn. Sang giai đoạn sau, các hoạt động đổi mới thực sự yêu cầu các kỹ năng nâng cao. Việc thiếu nhân công có trình độ cao sẽ gây cản trở sản xuất trong các hoạt động thiết kế, sáng tạo và ngăn cản việc khai thác các yếu tố bên ngoài liên quan đến các mạng lưới tri thức.
 
Có cùng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, điều cấp bách là cải thiện được năng suất lao động. Đồng thời cần phải tích cực tận dụng chuyển giao công nghệ qua các kênh khác nhau, trong đó có từ khu vực FDI. Chỉ có phát triển kinh tế tri thức mới là con đường nhanh nhất để thực hiện thành công CNH, HĐH và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu triển khai (R&D) cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tài sản vô hình. TS. Lưu Bích Hồ khẳng định: Cần chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút FDI theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả tổng thể cao, góp phần tích cực tăng tiềm lực và nội lực kinh tế đất nước.
 
 Huy Thắng

Nguồn tin: www.chinhphu.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 350

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14798

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3842162