Góp ý dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) về “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Thứ ba - 08/04/2014 09:37
Thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) ban hành theo Quyết định số 207-QĐ/TW ngày 29/10/2013, sáng ngày 03/4, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) về “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển đã báo cáo những nội dung chủ yếu trong dự thảo báo cáo về nhận thức, lý luận, những kết quả thực hiện công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) sau 30 năm đổi mới, những mục tiêu và giải pháp đẩy mạnh CNH, HĐH  đất nước.

Từ năm 1960, đặc biệt sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), nhận thức về CNH với tư tưởng tập trung vào phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất cùng với tư tưởng khép kín và việc thực hiện công nghiệp hóa chủ yếu do lực lượng kinh tế nhà nước bao trùm và kéo dài trong suốt thời kỳ trước đổi mới. Tiếp đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã có những bước đột phá trong nhận thức, lý luận về CNH. Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1993) và Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành trung ương Khoá VII (1994) đã có sự bổ sung và phát triển mới trong nhận thức, lý luận về CNH đất nước. Theo đó, với quan niệm CNH gắn liền với HĐH và là sự  nghiệp của toàn dân diễn ra trên tất cả các hoạt  động kinh tế - xã hội là một bước tiến quan trọng trong phát triển tư duy lý luận. Đảng cũng xác định, mục tiêu lâu dài của CNH, HĐH là cải biến nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và  tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, văn minh.

Báo cáo đưa ra những vấn đề cốt yếu về CNH, HĐH đất nước đã làm sáng tỏ về mặt lý luận như: CNH, HĐH phải vận động cùng với xu thế thời đại, thích nghi với những bối cảnh mới; Phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của nền kinh tế, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực của CNH, HĐH; CNH, HĐH là sự nghiệp của toàn dân, diễn ra trên mọi hoạt động kinh tế - xã  hội; CNH, HĐH được thực hiện trong cơ chế  kinh tế thị trường và phải được tiến hành đồng bộ trong cải cách thể chế kinh tế trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Báo cáo cũng nêu ra được những hạn chế, vướng mắc, những vấn  đề lớn đang đặt ra trong nhận thức lý luận về đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cần phải nghiên cứu làm rõ: Nội hàm của một số khái niệm, định nghĩa chưa rõ, khá mơ hồ do đó gây ra sự lúng túng khi thực hiện; Nhận thức lí luận về CNH, HĐH mới chỉ dừng lại ở các quan điểm chung và các định hướng tổng quát chiến lược mà chưa triển khai thành các luận điểm trong một hệ thống lý luận; Giữa nhận thức lý luận và thực tiễn triển khai tư tưởng CNH, HĐH trong giai đoạn vừa qua còn có khoảng cách khá nghiêm trọng; Tiến trình đổi mới và phát triển thể chế - một nội dung cơ bản của công cuộc CNH, HĐH - diễn ra chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; Mô hình CNH, HĐH còn chưa rõ dẫn đến khó thiết kế các chính sách kinh tế cụ thể; Các chủ thể và vai trò của các chủ thể trong thực hiện CNH, HĐH chưa được làm rõ…; Đồng thời, báo cáo cũng nêu ra những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, vướng mắc và những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình hoạch định chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về CNH, HĐH đất nước cũng như trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện CNH, HĐH.

Dự thảo Báo cáo cũng tổng kết đánh giá  các kết quả thực hiện CNH, HĐH một cách toàn diện cũng như trên các ngành, lĩnh vực cụ thể. Sau 30 năm đổi mới quy mô và chất lượng của lực lượng sản xuất đã phát triển vượt bậc: Cùng với sự gia tăng của quy mô và chất lượng lao động thì số lượng và quy mô của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể; Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, thể  hiện ở cả việc sử dụng các nhân tố  đầu vào cũng như đầu ra; Ngân sách quốc gia và  khả năng tiết kiệm, tái đầu tư cho phát triển từ ngân sách tăng lên nhanh chóng; Cơ sở  vật chất – kỹ thuật của nhiều ngành, lĩnh vực được nâng cao. Sau gần 30 năm Đổi mới, thu nhập, đời sống của các bộ phận nhân dân  đã được cải thiện đáng kể. Năm 2011, Việt Nam đã chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Mạng lưới cơ sở y tế, chất lượng, chăm sóc sức khỏe đạt nhiều kết quả  tích cực. Quy mô giáo giục đào tạo ngày càng tăng, hệ thống trường lớp, đội ngũ giảng viên, giáo viên có thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân…

Về việc tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, báo cáo cũng nêu những đánh giá phân tích làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu  đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2020 và  những năm tiếp theo đến năm 2030. Đồng thời, báo cáo cũng đề xuất những giải pháp đẩy mạnh CNH, HĐH  đất nước, trong đó đề cập đến những vấn  đề cần tập trung thực hiện đến năm 2020, theo đó: Tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý; Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; Bảo đảm an sinh xã  hội, giảm nghèo; Chăm sóc sức khỏe nhân dân; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó  với biến đổi khí hậu.

Báo cáo tiếp tục khẳng định thực hiện các đột phá chiến lược (Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ  nghĩa trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ  phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và  hạ tầng đô thị lớn) là những giải pháp quyết định sự thành công của việc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có  nhiều ý kiến đóng góp sát thực, cụ thể về lý luận cũng như thực tiễn CNH, HĐH đất nước và đưa ra gợi ý thiết thực nhằm hoàn thiện nội dung Dự thảo báo cáo. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho rằng, Dự thảo báo cáo tổng kết đã  đánh giá được một cách toàn diện và đầy đủ quá trình CNH, HĐH với những thành tựu và bất cập trong 30 năm đổi mới đã qua. Ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và tiếp tục bổ  sung, tập trung đi sâu vào làm rõ thêm những vấn  đề mang tính cốt lõi để hoàn thiện Dự thảo kịp thời trình Ban chỉ đạo Trung ương./.

Mai Phương

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4

Hôm nayHôm nay : 327

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15289

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3842653