Mở cửa tư duy để hưng thịnh nước nhà

Thứ năm - 06/03/2014 11:29
Hiện nay, bài toán kinh tế Việt Nam đang được giải với nhiều phương thức: tái cấu trúc nền kinh tế, định hướng phát triển ngành nghề, hợp tác quốc tế... nhưng xem ra vẫn là chưa đủ. Bởi, quan trọng là sau đó phải biết làm thế nào, làm ở đâu và ai làm?
Đã đến lúc Việt Nam cần tham khảo những kinh nghiệm của các nước giải quyết khá thành công từ việc phát triển chuỗi giá trị và cụm liên kết đa ngành để làm giàu và phát triển đất nước.     

Phát triển các chuỗi giá trị: Cách thức mới gia tăng GDP nhanh và bền vững

Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, Liên xô cũ đã thực thi phát triển chu trình sản xuất - năng lượng (do Kolosovxki N.N đề xuất vào năm 1947) và thu được những thành tựu đáng kể. Điển hình là hai chu trình sản xuất đường và sản phẩm cơ khí.

- Sản xuất đường (hoàn toàn có thể áp dụng với công nghệ sản xuất mía đường ở Việt Nam): Trục chính gồm các doanh nghiệp trồng củ cải - thu hoạch, ép củ cải, tinh luyện đường, sản xuất các sản phẩm từ đường. Các nhánh hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp sản xuất: clorua làm chất phụ gia để tẩy trắng đường, máy ly tâm và các thiết bị máy móc đi kèm, phân bón, thức ăn gia súc từ rỉ đường, thiết bị canh tác cho khâu trồng củ cải và khâu thu hoạch…

- Sản xuất sản phẩm cơ khí: Trục chính gồm các doanh nghiệp khai thác quặng sắt (nếu có khoáng sản), luyện gang, luyện thép, chế tạo phôi thép, chế tạo thành phẩm cơ khí hoàn chỉnh để phục vụ tiêu dùng. Các nhánh hỗ trợ gồm các doanh nghiệp sản xuất: thiết bị đào, bốc đất đá; vận chuyển quặng, lò luyện gang, lò luyện thép; các phụ gia cho luyện thép, thiết bị điều khiển cơ điện tử…

Ở phương Tây, tư tưởng phát triển theo chuỗi giá trị đã xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng phải đến năm 1985, Michael Porter mới chính thức đề xướng tư tưởng phát triển theo chuỗi giá trị. Ông cho rằng, muốn tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thì chính họ phải liên kết lại với nhau theo chuỗi giá trị (bản chất của chuỗi giá trị là toàn bộ các hoạt động, mà mỗi hoạt động cụ thể gắn với một dạng doanh nghiệp, từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất ra một sản phẩm cuối cùng đem đi tiêu thụ.

Có thể nói, vào những năm đầu thế kỷ XXI, sự hiện diện của các chuỗi giá trị toàn cầu đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nền công nghiệp và nền kinh tế thế giới, tiêu biểu như: chuỗi sản xuất máy bay, ôtô, tàu thủy, tàu hỏa, xe máy, máy tính, động cơ thủy điện, máy lọc hóa dầu, một số sản phẩm điện tử, máy móc sản xuất xi măng…

Trong quá trình phát triển của nhân loại cũng đã chứng minh rằng, không quốc gia nào có thể phát triển khép kín, tự giải quyết được mọi nhu cầu của mình. Mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ có thế mạnh, lợi thế riêng và từ đó đòi hỏi phải hợp tác, mà chuỗi giá trị là cơ sở để hợp tác chắc chắn hơn cả. Theo tinh thần chuỗi phải chú ý mấy điểm dưới đây:

          Một là, doanh nghiệp nòng cốt quyết định tính chất và trình độ phát triển của chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp cùng nhau quyết định thành công của chuỗi giá trị. Chính phủ hay chính quyền địa phương không trực tiếp tham gia hoạt động chuỗi, mà chỉ có vai trò đưa ra chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là có trách nhiệm và vai trò lớn trong việc thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào Việt Nam, để hình thành chuỗi giá trị hoặc để doanh nghiệp trong nước có điều kiện tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Một điểm quan trọng nữa cần chú ý, cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp là thỏa thuận tự nguyện và cùng hưởng lợi do chuỗi mang lại.

          Hai là, Việt Nam cần có chiến lược tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu mà nền kinh tế có nhu cầu và có lợi thế, dần hình thành chuỗi giá trị của mình (nhờ có những doanh nghiệp nòng cốt). Cụ thể như: Việt Nam có thế mạnh để phát triển các chuỗi giá trị dựa trên cơ sở cảng biển, kinh tế hàng hải, vận tải (cả đường ôtô, đường sắt, hàng không, đường biển và đường sông); sản xuất điện, khai thác và chế biến dầu khí; sản xuất xi măng; khai thác và chế biến thủy hải sản, trồng và chế biến các loại nông - lâm sản (như: cà phê, cao su, lúa gạo, trái cây, thịt gia súc, thịt gia cầm, rừng nguyên liệu); trồng và chế biến thuốc chữa bệnh… Đó là các hướng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoặc chủ động làm nòng cốt và kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hình thành các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng, có giá trị kinh tế cao, cũng như có khả năng mở rộng hợp tác quốc tế; tạo ra các tiền đề để doanh nghiệp và sản phẩm của người Việt Nam có mặt trên phạm vi toàn thế giới.

          Bên cạnh đó, Việt Nam nên nhanh chóng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, có giá trị lớn và phạm vi hoạt động rộng. Có như vậy, hàng hóa của nước ta mới tránh được tình trạng mất giá. Cụ thể: chuỗi cung ứng logistics, thương mại hàng hóa công nghiệp, cung cấp thuốc chữa bệnh…

Phát triển cụm liên kết đa ngành

Cụm liên kết đa ngành (Cluster) hay cụm phát triển tương hỗ, hình thành trên cơ sở tự nguyện liên kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm đem lại lợi ích chung cho tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh đó trong một không gian xác định. Cluster lấy hiệu quả kinh tế làm mục đích, do vậy thường phát triển tập trung trong một lãnh thổ xác định (một quốc gia hay một địa bàn cụ thể), trên cơ sở liên kết các xí nghiệp, tổ chức. Nhờ việc sử dụng chung các cơ sở vật chất hạ tầng cùng các dịch vụ về nhà ở, thông tin liên lạc, ngân hàng, hải quan, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực… nên  giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư và sản xuất. Đồng thời, gia tăng giá trị và hiệu suất phát triển, cũng như làm cho các doanh nghiệp tham gia Cluster phát triển bền vững hơn, tránh phân bố rời rạc. Từ đó, tạo ra sự phát triển tổng hợp cho địa bàn và giúp thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, phát triển Cluster, đồng nghĩa với tăng sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Tức là về nguyên tắc, trong một Cluster mỗi doanh nghiệp phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, sự tự do quyết định sản xuất cũng ít hơn.

Ở Liên Xô cũ, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX đã nghĩ tới việc phát triển thể tổng hợp sản xuất - lãnh thổ (nhà khoa học Kalasnicova T.M là đại diện tiêu biểu). Lúc đó, nước này hình thành và phát triển các thể tổng hợp sản xuất lãnh thổ (TPK) và thể tổng hợp nông - công nghiệp (APK). Hình thức tổ chức sản xuất này đã đem lại nhiều thành tựu cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Ba Lan.

Đến những năm 70 của thế kỷ XX, các nước phương Tây cũng bắt đầu tiến hành phát triển rất nhiều tổ hợp công nghiệp, sau này là các khu công nghiệp tập trung và hiện nay đã phát triển thành những công viên công nghiệp. Nhờ vậy, từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế của các quốc gia như Nauy, Pháp, Mỹ, Đức… đã có sự phát triển vượt bậc.  

Đặc biệt, đối với khu vực Đông Á càng thấy rõ giá trị nổi bật của các Cluster đối với phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Malaysia đã bắt đầu phát triển Cluster ở kế hoạch phát triển công nghiệp lần 2 (1996 - 2005) và tiếp theo là ở kế hoạch phát triển công nghiệp lần 3 (2006 - 2020). Singapore cũng đưa ra kế hoạch phát triển Cluster cho lĩnh vực khai thác biển, mà nòng cốt là hải cảng và công nghiệp đóng tàu từ năm 2000. Tại Hàn Quốc, phát triển các Cluster IT mà nhân lõi là công nghiệp tự động hóa đã được đưa vào kế hoạch từ năm 1990. Riêng ở Trung Quốc đã có 100 Cluster công nghiệp ở vùng duyên hải phía Đông, như: Công nghiệp điện tử (Quảng Đông); Công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị vận tải (Chu Hải, Sán Đầu); Sản xuất máy tính, sản xuất ôtô (Thiên Tân)…Thậm chí, rất nhiều trường đại học của Trung Quốc tham gia vào việc phát triển các Cluster của nước này.

Trên thực tế, Cluster có hai loại chủ yếu là: ngành và lãnh thổ. Cluster ngành (đối với một quốc gia là chủ yếu, các doanh nghiệp liên kết theo chiều dọc). Ví dụ: Cụm liên kết công nghiệp nhiệt điện: Tham gia cụm liên kết này có khai thác - tuyển than, sản xuất rotor và thiết bị nhiệt điện, sản xuất thiết bị điện, cơ khí sửa chữa, sản xuất vật liệu từ bã than thải ra sau khi đã bị đốt cháy để biến thành điện năng, sản xuất thiết bị chuyên dụng như dây dẫn, vật liệu sứ cách điện; cung cấp nước, nghiên cứu công nghệ, đào tạo nhân lực, dịch vụ thông tin và ngân hàng… Cluster lãnh thổ (đối với một địa bàn cụ thể, các doanh nghiệp liên kết theo chiều ngang). Ví dụ: Cụm cảng biển - vận tải biển – logistics - công nghiệp phục vụ cảng và sản xuất thiết bị nâng đỡ - nghiên cứu khoa học - đào tạo nhân lực - các dịch vụ thông tin, ngân hàng, hải quan…

Đối với Việt Nam cần nhanh chóng phát triển hình thức tổ chức công nghiệp theo các Cluster ngành và lãnh thổ.

Cluster theo ngành dọc của quốc gia sẽ tạo ra sự phát triển đồng bộ, đảm bảo quá trình sản xuất một sản phẩm cụ thể ít phụ thuộc vào bên ngoài, vì thế mà có được sự ổn định cho phát triển của mỗi doanh nghiệp; làm cho sự chủ động của mỗi địa bàn, mỗi quốc gia sẽ tăng, từ đó, tính độc lập tương đối trong phát triển kinh tế cũng cao hơn. Phát triển Cluster theo chiều ngang - lãnh thổ sẽ tạo ra tiền đề để các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau liên kết với nhau trên tinh thần tự nguyện, tự giác cũng như dựa trên nền tảng của sự thỏa thuận về trách nhiệm và lợi ích thu được. Để dễ nhận biết và quan sát về Cluster theo chiều dọc và chiều ngang, chúng tôi sơ đồ hóa hai dạng Cluster như dưới đây:

          + Cluster theo ngành (Hình 1): Mỗi quốc gia nên và cần phát triển Cluster theo ngành cho những sản phẩm chủ lực có tính tới hợp tác quốc tế theo những chuỗi giá trị có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế.

Các doanh nghiệp tham gia Cluster có vai trò cụ thể, có trách nhiệm rõ ràng đối với chuỗi giá trị. Mỗi quốc gia cần có kế hoạch dài hạn (dài bao nhiêu năm là tùy theo sản phẩm) phát triển các Cluster ngành cho những sản phẩm chủ lực của mình. Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu và có kế hoạch tổng hợp phát triển Cluster cho những sản phẩm chủ lực, như: cho sản xuất thủy điện, nhiệt điện, xi măng, phân bón, lọc hóa dầu, sản xuất ôtô, đóng tàu thủy, chế tạo tàu hỏa, sản xuất thuốc chữa bệnh, sản xuất thực phẩm từ thịt, cá, sữa và nước giải khát từ trái cây… 

          + Cluster theo lãnh thổ (Hình 2): Mỗi quốc gia phải chọn ra những lãnh thổ hội tụ được những điều kiện thuận lợi đủ để phát triển Cluster. Những lãnh thổ đó phải có quy mô diện tích đủ lớn, chi phí đền bù cho việc giải phóng mặt bằng ít; có sẵn hoặc dễ dàng xây dựng mới mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển của Cluster. Mỗi lãnh thổ có điều kiện khác nhau, nên có thể hình thành Cluster khác nhau. Chính quyền địa phương tổ chức nghiên cứu đề xuất loại hình Cluster cùng các chính sách khuyến khích đi kèm (nhất là chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, đào tạo nhân lực và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm); tổ chức hội nghị quảng bá, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp. Sau khi đã có được thỏa thuận của các doanh nghiệp cùng thống nhất phát triển Cluster, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiến hành thành lập ban điều hành Cluster.

Về nguyên tắc, mỗi loại Cluster có sơ đồ lý thuyết riêng. Trong sơ đồ ấy, ở vị trí trung tâm là doanh nghiệp nòng cốt giữ vai trò hạt nhân; tiếp đến là những doanh nghiệp phụ trợ quan trọng gắn liền với nhiệm vụ chính của Cluster; rồi đến các doanh nghiệp hỗ trợ mang tính đồng bộ trong địa bàn.

Ở Việt Nam, Chính phủ và chính quyền một số địa phương cần có chương trình nghiên cứu và phát triển Cluster theo lãnh thổ tại những nơi có điều kiện. Chúng tôi cho rằng, trước hết cần nghiên cứu hình thành Cluster công nghiệp tại những nơi hội tụ đủ các điều kiện thiết yếu, như: thành phố Hải Phòng, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Dung Quất (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa) và khu vực Cái Mép - Thị Vải (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại những địa bàn đó cần hình thành các Cluster lấy cảng biển, công nghiệp cảng (đóng tàu) và logistics làm hạt nhân. Đồng thời, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể phát triển Cluster sản xuất máy tính và Cluster sản xuất ôtô.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo khung pháp lý và chính sách khuyến khích bảo đảm cho việc gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển các Cluster có hiệu quả. Việt Nam chưa mạnh về công nghệ, chưa có những tập đoàn kinh tế mang tầm toàn cầu… nên rất cần có chiến lược phát triển (hoặc tham gia) các chuỗi giá trị và phát triển mạnh các Cluster như chúng tôi đã trình bày ở trên. Muốn thế, nhất thiết phải nhanh chóng tổ chức lực lượng nghiên cứu đủ năng lực về chuỗi giá trị và Cluster. Tốt nhất là nên có một viện nghiên cứu khoa học, cùng một số trường đại học giữ vai trò nòng cốt trong việc nghiên cứu đề xuất kế hoạch, tổ chức thực hiện phát triển chuỗi giá trị và Cluster ở Việt Nam cho thời kỳ tới năm 2025 và 2035.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kolosovxki N.N (1969). Lý luận về phân vùng kinh tế, Nxb Tư tưởng, Mác xơ cơva (dịch từ tiếng Nga)

2. Barkley D.L và Henry M.S (2001). Advantages and Disadvantages of Targeting Industry Clusters, REDRL Research Report 01/09/2001, University Clemson, America

3. Cui, Y. và Li, W. (2010). Establishing the Development Strategies of the SpecialIndustrial Clusters for Underdeveloped Regions in China

  PGS,TS. Ngô Doãn Vịnh


Nguồn tin: Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 71

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1896

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3934394