Hội thảo công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2015-2016

Thứ sáu - 01/04/2016 16:02
Sáng 30/3/2016, Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức với Hàn Quốc (KSP) năm 2015 tại Khách sạn Pullman, Hà Nội.
Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngài Jun Dae Joo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam; Ngài Yoon Daehee, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách Hàn Quốc, Cố vấn cao cấp Chương trình KSP năm 2015; cán bộ Chương trình KSP 2015 phía Hàn Quốc và Việt Nam và đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý trong nước và nước ngoài.

Phát biểu chào mừng tại buổi công bố, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương chia sẻ, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trong hơn 23 năm qua và hiện nay là quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược”. Đặc biệt hai bên đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương Việt Nam - Hàn Quốc vào ngày 20/12/2015 vừa qua. Đây sẽ là cột mốc mở ra một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việt Nam là một trong hai quốc gia đang phát triển đầu tiên được tiếp nhận Chương trình KSP vào năm 2004. Trong nhiều năm qua, Chương trình KSP đã hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam về nghiên cứu, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ba nội dung được công bố lần này đều là những vấn đề rất cấp thiết đối với Việt Nam trong tình hình hiện nay, gồm: (1) Cải thiện hệ thống đánh giá công nghệ như một phương pháp cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo – Chỉ dẫn cho xây dựng mô hình của Việt Nam; (2) Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu – kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam; (3) Hỗ trợ nghiên cứu để hình thành Cụm tương hỗ sản phẩm điện tử vùng Hà Nội nhằm nâng cao giá trị gia tăng – kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam.

Đối với nội dung (1), Địnhgiá công nghệ được thiết kế để tiến hành đánh giá theo chiều sâu về kỹ thuật, khả năng tiếp thị và tính khả thi về kinh doanh của công nghệ. Hàn Quốc đã khá thành công khi áp dụng hệ thống đánh giá này để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc có công nghệ nhưng không có vốn. Hiện nay, Hàn Quốc đang hỗ trợ Việt Nam triển khai hệ thống này và được gọi là Hệ thống đánh giá công nghệ Việt Nam (VTRS). Hệ thống VTRS đã được xây dựng năm 2014 và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Đối với nội dung (2), là nội dung được đông đảo các nhà quản lý, khoa học quan tâm trong báo cáo lần này, nghiên cứu các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhóm tác giả đã đưa ra 08 biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Về nguồn nước: (1) nâng cấp và nâng cao hệ thống thoát nước; (2) kiểm soát tốc độ tăng dân số; (3) phân bố lại các khu vực dân cư gần vùng ven biển; về sản xuất cây trồng gồm: (4) Phát triển các mô hình cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu; (5) sử dụng hiệu quả nước tưới tiêu; (6) tăng cường hệ thống thủy lợi; về hệ thủy sinh gồm: (7) nhập khẩu và phát triển các giống thủy sản có gái trị mà có thể thích ứng với nhiệt độ cao; (8) thay đổi cơ cấu nông nghiệp từ độc canh cây lúa sang hệ thống luân canh cá - lúa.

Đối với nội dung (3), vấn đề hình thành Cụm tương hỗ điện tử cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển khá nhanh và mạnh, thu hút được sự quan tâm lớn của thế giới. Nhưng Việt Nam vẫn còn thiếu nhân lực chất lượng cao; chuỗi cung ứng mong manh do khu vực sản xuất linh kiện kém phát triển và có năng lực công nghệ yếu kém. Vì vậy, để phát triển ngành công nghiệp điện tử thì Việt Nam cần thành lập Cụm tương hỗ điện tử, trước hết là ở khu vực Hà Nội. Đó là điều mà TS. Joo Dae Yong đã nhấn mạnh trong báo cáo của mình.

Báo cáo KSP 2015 sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam cũng như các đối tác phát triển khác của Việt Nam./.

Nguồn tin: Viện Chiến lược phát triển.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 7

Hôm nayHôm nay : 197

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16274

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843638