Hội thảo khoa học với chủ đề “Cộng đồng kinh tế AEC, cơ hội , thách thức và các giải pháp cho các doanh nghiệp”

Thứ hai - 14/09/2015 10:45
Vào ngày 12/9/2015, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Hội doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa học và Quản trị lần thứ 4 (COMB 2015) với chủ đề “Cộng đồng kinh tế AEC, cơ hội , thách thức và các giải pháp cho các doanh nghiệp”.
Trọng tâm của Hội thảo COMB 2015 tập trung vào việc phân tích và đánh giá một cách cụ thể và toàn diện hơn các tác động của việc gia nhập cộng đồng kinh tế AEC, thảo luận về các phương pháp và cách thức nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội và vượt qua các thách thức do hội nhập mang lại. Hội thảo sẽ tập trung thảo luận và đi sâu vào các vấn đề sau:
- Những thay đổi của môi trường kinh doanh dưới tác động của AEC- cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp;
- Những thay đổi về Thể chế/Thể chế kinh tế của Việt Nam cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp trong AEC;
- Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Chính quyền;
- Các công nghệ quản trị tiên tiến giúp doanh nghiệp chủ động hội nhập AEC; - Giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong AEC;
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 học giả, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ban tổ chức đã nhận được 64 bài viết tham gia, trong số đó có 56 bài được Ban biên tập đánh giá và lựa chọn đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học. Trong khuôn khổ hội thảo COMB 2015, Ban tổ chức tập trung vào các vấn đề liên quan đến hội nhập AEC và các giải pháp từ chiến lược, marketing, quản trị nguồn nhân lực ... nhằm đưa ra những gợi ý, giúp cho các doanh nghiệp chủ động hội nhập thành công.
Trong khuôn khổ của diễn đàn này, Th.s. Bùi Duy Hoàng và CN. Nguyễn Thành Sơn thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Miền nam đã có bài tham dự với chủ đề GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG AEC”. Bài viết đã đề cập đến sự hạn chế về thể chế chính sách, nguồn nhân lực cũng như sự tác động của yếu tố văn hóa đã là những trở ngại khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập AEC và tác giả phân tích đưa ra các giải pháp kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh các họat động hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động mạnh mẽ phong trào tuyên truyền đổi mới tư duy nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền về văn hóa và đồng thời đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cũng như thực hiện nhanh tiến trình phát triển nguồn nhân lực.

Nội dung bài tham luận
 
GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG AEC
Th.s. Bùi Duy Hoàng([1])
CN. Nguyễn Thành Sơn([2])
Tóm tắt
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) được kỳ vọng là cộng đồng năng động, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hằng năm ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kinh tế Việt nam có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5% vào năm 2025([3]).
AEC thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá đúng và đầy đủ thực lực giữa “thế” và “vận” để phát triển trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng như Chính phủ Việt Nam và toàn thể xã hội phải tích cực thay đổi, cái tiến phương thức sản xuất, đánh giá những hạn chế để tìm giải pháp khắc phục và nâng cao vị thế trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Bài viết đã đề cập đến sự hạn chế về thể chế chính sách, nguồn nhân lực cũng như sự tác động của yếu tố văn hóa đã là những trở ngại khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập AEC và tác giả phân tích đưa ra các giải pháp kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh các họat động hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động mạnh mẽ phong trào tuyên truyền đổi mới tư duy nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền về văn hóa và đồng thời đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cũng như thực hiện nhanh tiến trình phát triển nguồn nhân lực.
 
Từ khóa
 
ACE: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community); ASEAN:  Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations); FTA: Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement); năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp

Giới thiệu
AEC là một thị trường sản xuất thống nhất thương mại hàng hoá, tự do hoá thương mại dịch vụ, tự do hoá đầu tư, tài chính và lao động. ASEAN hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu trong quan hệ đối ngoại, thúc đẩy đàm phán các FTA và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện; tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để phát triển trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh đòi hỏi Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Việt cũng như toàn xã hội phải tạo được vị thế nhất định, tương xứng về lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất cũng như thành quả lao động kết tinh trong sản phẩm hàng hóa được thị trường công nhận và người tiêu dùng lựa chọn đó là “đức tin” của nền kinh tế hiện đại.
Trong thời đại hội nhập và cạnh tranh chỉ có “đức tin” của khách hàng cùng sự thỏa mãn của khách hàng chính là thước đo và là sự khẳng định sự hưng – suy của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bài viết này đánh giá những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp Việt như về thể chế, nhân lực, văn hóa, và đưa ra các giải pháp kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh các họat động hỗ trợ doanh nghiệp để vươn lên đứng vững trong cộng đồng kinh tế ASEAN khi Việt Nam chính thức là thành viên của cộng đồng vào năm 2015.
 
I.       Bối cảnh chung về AEC
Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người. Theo "Tầm nhìn ASEAN 2020", ASEAN hình thành một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do, và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020. Cộng đồng Kinh tế ASEAN được kỳ vọng là cộng đồng năng động, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hằng năm ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kinh tế Việt nam có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5% vào năm 2025([4]).
AEC là một thị trường và sản xuất thống nhất, chính là các nước ASEAN chú trọng tự do hóa: Thương mại hàng hoá; tự do hoá thương mại dịch vụ; tự do hoá đầu tư, tài chính và lao động. Đồng thời ASEAN là một khu vực kinh tế cạnh tranh có nghĩa là AEC hướng vào chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển cơ sở hạ tầng. ASEAN xem xét giúp các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam nâng cao năng lực thông qua việc cung cấp nguồn lực kỹ thuật và tài chính cho một loạt các dự án phát triển để hỗ trợ khu vực hội nhập như phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin để giúp phát triển đồng đều trong khối ASEAN và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của toàn khối trong quan hệ đối ngoại; thúc đẩy đàm phán các FTA và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện; tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, ASEAN đã hoàn thành hơn 93% các hoạt động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015; đã có 6/10 thành viên có tỷ lệ công việc hoàn thành ở mức cao, 4/10 thành viên còn lại một số vấn đề cần được đẩy mạnh([5]). Các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã đạt hiệu quả trong việc giảm mức thuế suất xuống gần bằng 0% và hiện đang chuẩn bị sẵn sàng áp dụng cơ chế hải quan một cửa ASEAN. AEC sẽ là một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất dựa trên sự hội tụ mạnh mẽ các chính sách, luật lệ và quy định liên quan đến thương mại và đầu tư. AEC sẽ phát huy lợi thế chung của toàn khu vực ASEAN, từng bước xây dựng một nền kinh tế mang tầm khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới, đem lại sự thịnh vượng chung cho nhân dân các quốc gia ASEAN([6]).
II.   Những khó khăn doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi AEC có hiệu lực
1.      Về thể chế và chính sách quốc gia
Về thể chế và chính sách của ta mặc dù có nhiều thay đổi tích cực tuy nhiên so với các nước trong ASEAN 6 còn rất lạc hậu. Theo xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho năm 2014-2015 ở mức rất thấp và ít có cải thiện từ nhiều năm nay. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đến 872 giờ/năm để đóng thuế trong khi con số bình quân của dịch vụ đó ở các nước ASEAN-6 chỉ là 172 giờ/năm.
Xếp hạng về thể chế của Việt Nam
  Chỉ tiêu Xếp hạng trên 144 nước Điểm thấp nhất đến cao nhất là (1-7)
1 Thể chế 92 3.5
2 Thể chế công 85 3.5
3 Luật về sở hữu 104 3.4
4 Chi phí ngoài pháp luật và đút lót cho xuất, nhập khẩu 109 3.2
5 Chi phí ngoài pháp luật và đút lót cho nộp thuế hàng năm 121 2.6
6 Chi phí ngoài pháp luật và đút lót để nhận được kết quả tư pháp thuận lợi 104 3.5
7 Hiệu quả của Chính phủ 117 2.9
8 Gánh nặng của Chính phủ 91 3.2
9 Gánh nặng của quy định của Chính phủ 101 3.1
10 Tính minh bạch của quá trình soạn thảo chính sách của Chính phủ 116 3.5
Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2014-2015)[7]
 
2.      Về nguồn nhân lực
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây (số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.
 
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Do vậy nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan([8]).
 
3.      Văn hóa và tư duy
3.1.           Chiến lược văn hóa doanh nghiệp và tư duy văn hóa kinh doanh
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, người Việt Nam nói chung và tầng lớp Doanh nhân Việt nói riêng, việc sản xuất hàng hóa lớn chưa từng trải qua, việc xây dựng văn hóa công ty dựa trên đạo đức và chuẩn mực cao cấp về "giá trị mềm" của doanh nghiệp chưa thực sự được trú trọng. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, các doanh nghiệp khấp khểnh trong tiến trình mới đó là sản xuất và kinh doanh, văn hóa kinh doanh chưa tìm ra chân lý mà các doanh nghiệp thường thu gọn vào các PR hay lễ hội hoành tráng phô trương, ban phát huân chương, đánh bóng cho tên tuổi cá nhân, dựa hơi quan chức... thay vì cho nhu cầu của khách hàng, sáng tạo của sản phẩm hay sự bền vững của thương hiệu.
Thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, người quản lý doanh nghiệp chưa định rõ được tầm nhìn và giới hạn của công ty để có một kế hoạch phát triển lâu dài và bền vững. Không một hành trình kinh doanh nào mà không gặp trắc trở và thách thức. Vì vậy, người lãnh đạo phải biết rõ đích đến của doanh nghiệp và xây dựng chiến lược vững vàng trước các cơn sóng lớn nhỏ trước mọi sự biến động của thị trường trong và ngoài nước. Mọi hình thức lấy ngắn nuôi dài, đi tắt đón đầu, dùng “sở đoản” để xây dựng chiến lược chiến thắng “sở trường” ... đều có thể tạo hiệu ứng nhất thời, nhưng sớm muộn gì thì các trò chơi ngắn hạn này sẽ có tác hại lớn là làm doanh nghiệp đi quá xa ra khỏi mục tiêu và vướng vào tình thế lầy lội, loay hoay trong việc xử lý tình huống.
Sự thỏa mãn của khách hàng, khách hàng là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiện đại sống vì khách hàng, sản phẩm phải thích hợp và cải tiến thường trực để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Dịch vụ hậu mãi phải hoàn thiện để giữ sự trung thành của khách hàng. Yếu tố sáng tạo là cách tạo thích thú cho khách hàng để biến họ thành một công cụ truyền bá sản phẩm ra các cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có tâm lý và phương thức sở đoản là “dựa hơi” quan chức và có cái nhìn méo mó về ưu tiên phục vụ. Đây cũng là một lý do tại sao các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên biển lớn.
Thiếu cương lĩnh tôn chỉ kinh doanh, mỗi công ty phải có một cương lĩnh để mọi thành phần nhân viên theo đó mà vận hành. Như một quốc gia có hiến pháp, tuyên ngôn về dân quyền, các bộ luật...doanh nghiệp phải có cương lĩnh, chiến lược và điều lệ...để không bị rối loạn khi gặp khó khăn hay khi có thay đổi về bộ phận quản lý. Nhưng hiện nay đa số các doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh được tôn chỉ chiến lược kinh doanh và chỉ tôn kinh doanh mạch lạc.
Nhiều vị quản lý các doanh nghiệp Nhà nước vẫn có tư duy “nhiệm kỳ” và “hạ cánh an toàn” dẫn đến thiếu hoặc không có trách nhiệm, đây là rủi ro lớn nhất thường làm các nhà đầu tư nước ngoài bất an khi quyết định đầu tư. Thêm vào đó, thay vì một chính sách "thông tin toàn bộ và kịp thời" (on-time full disclosure) theo như luật định, nhiều nhà quản lý che giấu, trì hoãn, sửa đổi hay sáng tạo thông tin để tránh những phản ứng tiêu cực cho vị trí và quyền lợi của họ.
Thiếu đào tạo và thăng tiến đội ngũ nhân viên một cách liên tục và kịp thời, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tạo cho đội ngũ cán bộ một niềm tin vào tương lai đường dài của doanh nghiệp và các quyền lợi đính kèm. Ngoài lương bổng và nhu cầu về thăng tiến, các nhân sự đều muốn tham dự vào thành công sau cùng của đơn vị. Tuy nhiên, lĩnh vực này các doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể. Cũng như thiếu sót so với nước ngoài là các chương trình huấn luyện liên tục, và các quyền mua cổ phiếu (options) để gắn bó nhân viên vào với công ty trong hợp tác lâu dài. Nhưng quan trọng phải đối xử công bằng trong mọi hành động và phán đoán, không phân biệt thành phần gia đình hay xã hội, hoàn toàn dựa trên kỹ năng và thành quả của nhân viên.
Lợi ích cho xã hội và nghĩa vụ với thân nhân, một doanh nghiệp phải có nghĩa vụ với cộng đồng xã hội chung quanh. Những tệ nạn gây ô nhiễm trong không khí, trên sông biển, thấm vào các tầng nước ngầm, việc xử lý rác thải, rác y tế nguy hiểm, tiếng ồn và an toàn giao thông ... là những kỷ cương không những chỉ quan trọng trên phương diện pháp lý mà còn là nghĩa vụ để thể hiện đạo đức của doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể vì lợi ích của mình mà làm phương hại đến môi trường và xã hội. Nghĩa vụ đóng góp cho xã hội còn là tấm gương để doanh nghiệp soi rọi mình là doanh nhân chân chính thành đạt.
Do bối cảnh lịch sử dân tộc luôn luôn chịu sự đe dọa của các kẻ thù xâm lược và luôn phải đối chọi với các thế lực mạnh hơn trong mọi thời đại và chịu hệ tư tưởng của thời kỳ bao cấp, kinh tế tập trung dẫn đến văn hóa kinh doanh và khát vọng kinh doanh cùng với văn hóa doanh nghiệp phát triển rất chậm và thiếu định hướng như đã nêu trên. Kèm theo nó là hệ lụy về mặt khoa học quản lý tài chính, khoa học tự nhiên, tư suy khuyến khích phát minh, sáng tạo … cũng rất lạc hậu.
3.2.           Tư duy chiến lược tài chính
Trong lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp Việt còn yếu kém ở tất cả các vấn đề căn bản về tài chính như sau:
Về quản trị dòng tiền (cash flow) cho doanh nghiệp, những chỉ số như IRR (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ), ROI (hoàn vốn trên đầu tư), ROA (hoàn vốn trên tài sản), acid test (tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn)... là những tín hiệu để xác định hiệu năng của doanh nghiệp so với các đối thủ cùng ngành.
Đới với kỷ luật tài chính, chưa kiểm soát chặt chẽ thu – chi, ngân sách đề ra phải được mọi bộ phận tuân thủ và thực thi; mọi điều chỉnh phải được điều nghiên chính xác; kể cả việc cắt giảm hay gia tăng vì sự cố bất thường.
Yếu về dự báo nhu cầu tương lai, mọi phát triển đều cần vốn đầu tư, từ tiền lời tích lũy nội bộ hay tiền vay hay tiền góp vốn từ các cổ đông bên ngoài. Người quản lý tài chính theo đúng vai trò phải duyệt khán và đồng ý với kế hoạch phát triển. Mặt khác doanh nghiệp Việt thường dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, đây là điều rủi ro cao trong nguyên tắc đầu tư tài chính mà các doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải.
4.      Hạn chế về khoa học kỹ thuật công nghệ
4.1.           Áp lực cạnh tranh về hàng rào kỹ thuật trong nông nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia Dự án EU-Mutrap (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên của EU đối với Việt Nam), trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản là những ngành nhạy cảm đối với cả Việt Nam và EU. Những biện pháp phi thế quan (NTM) có ý nghĩa quan trọng trong khu vực nông nghiệp gồm yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch; đóng gói, bao bì; khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt, các tiêu chuẩn (Global GAP) do EU áp đặt thường nằm trong số các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất với chi phí cao nhất là thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
4.2.           Công nghiệp gặp nhiều thách thức
Lĩnh vực công nghiệp tập trung vào sáu ngành gồm dệt may, da giày, ôtô, công nghệ cao, hàng thủ công và sản phẩm gỗ qua xử lý. Ngành da giày Việt Nam vẫn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các nước có ngành da giày phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và dự báo thị trường đang nổi lên như Myanmar cũng là những áp lực lớn. Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc tương đối cao vào nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, giá trị gia tăng tạo ra của ngành tương đối thấp (ước tính chung ở mức 40%). Trong đó, nguyên liệu thô nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan; còn máy móc thì từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản...Thêm vào đó, các mức độ yêu cầu cao của người tiêu dùng EU cũng như quy tắc xuất xứ và những quy định của EU về đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế hóa chất là những rào cản đáng kể với Việt Nam. Ngành thủ công mỹ nghệ, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực trong nước (mây, tre, gỗ, gốm), nhưng gần đây Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những hạn chế từ giá nguyên vật liệu, năng lượng, vận chuyển cao cho đến các tiêu chuẩn chất lượng cao cho thấy ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các nước khác để tiếp cận thị trường EU.
Tóm gọn lại trình độ khoa học công nghệ và khả năng sáng tạo phát minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam vô cùng thấp dẫn đến công nghiệp của chúng ta chậm phát triển cả công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ ... Đang là rào cản cần phải bức phá của doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hiện nay.
 
III.      Đề xuất giải pháp hỗ trợ danh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
1.      Nhóm giải pháp chung
Thứ nhất: Cải cách hành chính
Xây dựng chương trình Một cửa quốc gia (Vietnam's National Single Window - VNSW) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Việt Nam nỗ lực đơn giản hoá hệ thống các giấy phép, giấy chứng nhận bao gồm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), giấy chứng nhận vệ sinh kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Các nỗ lực này thể hiện qua hệ thống eCoSys (hệ thống xin cấp C/O qua mạng) cũng như việc cấp phép nhập khẩu tự động([9]).
Nhanh chóng rà soát lại, xác định lại các văn bản pháp lý có tính chồng chéo gây khó khăn trong quản lý điều hành và thực hiện đối với doanh nghiệp và công dân ... để điều chỉnh kịp thời, đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ công bộc phục vụ nhân dân và doanh nghiệp theo đúng tôn chỉ “sống và làm việc theo pháp luật”. Từng bước loại trừ, thanh lọc đội ngũ cán bộ yếu kém chuyên môn, tha hóa đạo đức, nhũng nhiễu hành chính và làm biến dạng tính chất minh bạch của thị trường.
Thứ nhì: Đẩy mạnh tuyên truyền tư duy văn hóa doanh nghiệp - kinh doanh
Chính phủ, bộ văn hóa thông tin cần có kế hoạch hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh chiến lược tuyên truyền về phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh nhằm thúc đẩy chuyển biến về nhận thức, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa về tư duy làm chủ, tư duy kinh doanh, tư duy khát vọng làm chủ công nghệ, tôn sùng sáng kiến, cổ động phát minh, tác phong công nghiệp và khát vọng làm chủ công nghệ cũng như nuôi ý chí phát minh sáng chế trong đội ngũ trí thức trẻ và thế hệ tương lai... Coi thành quả sáng tạo phát minh trong khoa học công nghệ, lao động sản xuất là “vì sao sáng” đáng tôn sùng. Cần thay đổi cách cổ động tuyên truyền về văn hóa ví dụ như: Hàng năm chúng ta tổ chức thi học sinh giỏi thì chuyển thành thi sáng tạo trong học đường để nêu cao tình thần sáng tạo trong cuộc sống thật thay cho lý thuyết “học gà”. Tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo, phát minh khoa học công nghệ … và có phần thưởng xứng đáng kích lệ tinh thần phấn đấu sáng tạo thay cho tư duy chắp vá, lắp đặt, hay hưởng thụ thành quả sẵn có.

 
Thứ ba: Tập trung đẩy nhanh tiến trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Ưu tiên đầu tư đào tạo nghề trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, ngành. Hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề, học nghề sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành và đánh giá năng lực người học, hướng tới doanh nghiệp phải là một trong những chủ thể đào tạo nghề. Đổi mới chính sách tài chính về dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển dạy nghề; khuyến khích hợp tác và thành lập các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Chuyển hệ thống dạy nghề khép kín thành hệ thống đào tạo mở, linh hoạt, liên thông giữa các thành tố của hệ thống và liên thông với các bậc học khác.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề, nhất là với những nước thành công trong phát triển dạy nghề ở khu vực ASEAN và trên thế giới. Tích cực vận động, thu hút nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA cho dạy nghề. Hợp tác với các nước ASEAN để tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa các nước, hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tích cực tham gia vào các hoạt động của khu vực và thế giới để giao lưu và học hỏi kinh nghiệm, như tham gia Hội thi tay nghề ASEAN, Hội thi tay nghề thế giới.
2.      Nhóm giải pháp đặc thù
Thứ nhất: Lập quỹ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tham gia vào các lĩnh vực quan trọng đối với các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan mật thiết đến vấn đề an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc biển, đảo của tổ quốc như các tập đoàn, công ty khai khác thủy hải sản, đánh bắt xa bờ, nghiên cứu đại dương ...cần đầu tư công nghệ và hợp tác quốc tế về nhân lực và kỹ thuật. Trước sự hội nhập và công bằng trong cạnh tranh của AEC chúng ta không thể trợ cấp bằng chính sách riêng đối với các doanh nghiệp. Nhưng thông qua hiệp hội và thúc đẩy các lĩnh vực khác hỗ trợ tạo đà thúc đẩy và giúp các doanh nghiệp Việt vươn lên với vai trò làm chủ công nghệ, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá thành, phương thức thanh toán, bảo hành bảo trì ... Sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt sánh vai trong cuộc đua của hội nhập thị trường.
Thứ nhì: Chính phủ hỗ trợ mở lớp chia sẻ kiến thức cho các doanh nhân, các CFO, CEO nâng cao kinh nghiệm thông qua tổ chức các khóa đào tạo, các buổi hội thảo và mở rộng hợp tác mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân tham dự …để tăng kinh nghiệm thực tế từ việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng trong quản trị của các vị trí nêu trên về kỹ năng quản trị, trình độ quản trị và khả năng tổng hợp các yếu tố chuyên ngành đến yếu tố xã hội, văn hóa và thể chế chính trị, pháp lý … để sớm có đủ tố chất xứng đáng là các CFO, CEO tài ba danh tiếng và xứng tầm trong khu vực AEC và quốc tế, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, là cơ sở để Việt Nam hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, văn minh”./.
Tài liệu tham khảo:
1.                  Nguyễn Quốc Trường, Nguyễn Thế Cường - (Viện Chiến lược phát triển) Cộng đồng kinh tế ASEAN – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam - http://www.doimoi.org/detailsnews/1894/343/cong-dong-kinh-te-asean-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
2.                  Những tồn tại và yếu kém của doanh nghiệp BĐS Việt Nam - http://batdongsan.com.vn/phan-tich-nhan-dinh/nhung-ton-tai-va-yeu-kem-cua-doanh-nghiep-bds-viet-nam-ar68737
3.                  PGS, TS. Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam khigia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - http://www.hvct.edu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lao-dong-viet-nam-khi-gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean.aspx?tabid=466&a=2050
4.                  Nguyễn Nhâm - Các nước thành viên ASEAN chủ động hội nhập kinh tế toàn diện - (Trích Thông tin Tài chính số 7 kỳ 1 tháng 4/2015)- http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/nif/Newdetail?p_page_id=160282135&pers_id=160284363&item_id=167624830&p_details=1
5.                  Nguyễn Quốc Trường, Nguyễn Thế Cường (Viện Chiến lược phát triển) - Cộng đồng kinh tế ASEAN – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam - http://www.doimoi.org/detailsnews/1894/343/cong-dong-kinh-te-asean-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
6.                  PGS, TS. Mạc Văn Tiến Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN -http://www.hvct.edu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lao-dong-viet-nam-khi-gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean.aspx?tabid=466&a=2050
Nguyễn Nhâm - Tổng kết hội nghị ASEAN 26: Rất nhiều kết quả tích cực -  http://vov.vn/the-gioi/ho-so/tong-ket-hoi-nghi-asean-26-rat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-397945.vov


([1]) Phó trưởng Phòng Đông Nam Bộ  – TTNCKTMN – Viện Chiến Lược Phát Triển – Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư
([2]) Nghiên cứu viên - TTNCKTMN – Viện Chiến Lược Phát Triển – Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư
[3]PGS, TS. Mạc Văn Tiến Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN -http://www.hvct.edu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lao-dong-viet-nam-khi-gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean.aspx?tabid=466&a=2050
([4]) PGS, TS. Mạc Văn Tiến Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN -http://www.hvct.edu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lao-dong-viet-nam-khi-gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean.aspx?tabid=466&a=2050
[5]Nguyễn Nhâm - Tổng kết hội nghị ASEAN 26: Rất nhiều kết quả tích cực -  http://vov.vn/the-gioi/ho-so/tong-ket-hoi-nghi-asean-26-rat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-397945.vov
[6]Nguyễn Nhâm (Trích Thông tin Tài chính số 7 kỳ 1 tháng 4/2015)-Các nước thành viên ASEAN chủ động hội nhập kinh tế toàn diện - http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/nif/Newdetail?p_page_id=160282135&pers_id=160284363&item_id=167624830&p_details=1
([7]) Nguyễn Quốc Trường, Nguyễn Thế Cường (Viện Chiến lược phát triển) - Cộng đồng kinh tế ASEAN – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam - http://www.doimoi.org/detailsnews/1894/343/cong-dong-kinh-te-asean-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
([8]) PGS, TS. Mạc Văn Tiến Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - http://www.hvct.edu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lao-dong-viet-nam-khi-gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean.aspx?tabid=466&a=2050
([9]) Nguyễn Quốc Trường, Nguyễn Thế Cường (Viện Chiến lược phát triển) - Cộng đồng kinh tế ASEAN – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam - http://www.doimoi.org/detailsnews/1894/343/cong-dong-kinh-te-asean-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 164

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16241

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843605